Cần sớm điều chỉnh để dự án 3 đặc khu tăng tính hiệu quả

ANTD.VN - "Ba đặc khu nếu xem là dự án thì nó là cực lớn, liên quan tới hàng vạn dân, liên quan tới những vùng "rừng vàng biển bạc", di sản thiên nhiên... chúng ta đã tính hết chưa. Nhiều quốc gia đã phải trả giá cho việc này, có nước không trả được nợ đã phải đem cược một cảng biển tới 99 năm", đại biểu Trương Trọng Nghĩa cảnh báo.

Sáng 22-5, tham gia thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2017 tăng trưởng khá đồng đều ở các lĩnh vực, nhiều tín hiệu lạc quan.

"Theo sắp hạng quy mô nền kinh tế, năm 2016 Việt Nam xếp hạng 48 và sang năm 2017 tăng 2 bậc; chỉ số cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi từ hạng 82 lên hạng 68; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc lên hạng 47...", ông Ngân dẫn chứng và khẳng định chiến lược kinh tế năm 2017 đưa ra là đúng đắn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị 4 tiêu chí nhằm định hướng chiến lược trong FDI

Tuy nhiên bên cạnh đó, đại biểu Ngân cho rằng còn một số vấn đề cần phải xem xét, điều chỉnh để đảm bảo kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững hơn. 

"Chúng ta nằm trong số các nước có độ "mở" kinh tế cao, xếp hạng 7 thế giới và nằm trong nhóm đối tượng dễ nhạy cảm với biến động của tình hình kinh tế thế giới, vốn diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm đến thị trường trong nước", ông Ngân dẫn chứng. 

Bàn về vấn đề đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho đây là vấn đề có tính hai mặt, quản lý kém có thể làm phát sinh nhiều rủi ro. 

"Tôi thấy nhiều người dùng từ "ưu đãi" với nhà đầu tư FDI rất nhẹ nhàng nhưng bản chất ưu đãi là giảm nguồn thu ngân sách, đổi lại chúng ta phải đổi lại được bằng công nghệ, nguồn nhân lực, tác động để nền kinh tế, công nghiệp hóa của Việt Nam tăng lên. Nhiều nhà đầu tư FDI thu lợi nhuận rất lớn nhưng đóng góp của họ vào ngân sách không tương xứng", đại biểu Ngân phân tích và kiến nghị tới đây cần có cách nhìn nhận, chính sách khác đi với việc thu hút FDI. 

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Ngân cho rằng cần phải rất lưu ý đến khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bởi sau 30 năm thực hiện thu hút đạt nhiều kết quả đáng mừng nhưng đang tồn tại một số yếu tố không bền vững.

Nêu quan điểm cần có một định hướng chiến lược trong FDI, đại biểu Ngân kiến nghị 4 tiêu chí: "Xanh - Sạch - Chất lượng - Tính lan tỏa".

"Xanh ở đây là đảm bảo môi trường, ví như Formosa phải được kiểm soát chặt chẽ. Sạch có nghĩa là xem xét lý lịch doanh nghiệp, chứ đừng để khi cấp phép rồi mới tá hỏa doanh nghiệp này mang tai tiếng trên thế giới. Chất lượng là quan tâm tới công nghệ cao. Cuối cùng, phải quan tâm tới tính lan tỏa vì thực tế thời gian qua vốn FDI nhiều nhưng sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ để các thành phần kinh tế trong nước phát triển còn mờ nhạt", đại biểu Ngân phân tích.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý kiến về đặc khu kinh tế trong phiên họp tổ sáng 22-5

Cũng về FDI, đại biểu Nghĩa cho rằng cần hết sức lưu ý về 3 đặc khu kinh tế, bởi như dự án đường cao tốc Bắc-Nam hay nhà máy điện hạt nhân, về chủ trương thì không sai nhưng vấn đề là chúng ta có khả năng thực hiện, quản lý và làm cho dự án thành công hay không.

"Ba đặc khu nếu xem là dự án thì nó là cực lớn, liên quan tới hàng vạn dân, liên quan tới những vùng "rừng vàng biển bạc", di sản thiên nhiên... Vậy chúng ta đã tính hết chưa? Nhiều quốc gia đã phải trả giá cho việc này, có nước không trả được nợ đã phải đem cược một cảng biển tới 99 năm", ông Nghĩa cảnh báo.

Cần thận trọng trong các chính sách kêu gọi, sử dụng nguồn lực đầu tư đặc khu kinh tế

Dự kiến vốn đầu tư cho 3 đặc khu kinh tế là 1,5 triệu ngàn tỷ đồng, trong đó Nhà nước gánh một phần còn lại là đầu tư tư nhân. Theo đại biểu Nghĩa, nếu không khéo léo chúng ta sẽ phải phụ thuộc họ, thậm chí bị họ kiện nếu sử dụng sai.

"Chuyên gia nói đây là một sự đặt cược bởi thực tế việc xây dựng các đặc khu kinh tế trên thế giới cho thấy tỷ lệ thành công không cao và phụ thuộc vào năng lực quản lý. Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, ai nắm được công nghệ sẽ chi phối được thế giới. Vì vậy nếu được, tôi đề nghị Chính phủ ngay từ bây giờ có một số điều chỉnh để dự án 3 đặc khu này tăng tính hiệu quả, không bị lạc hậu", đại biểu Nghĩa kiến nghị.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp tục thảo luận và dự kiến thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đây được kỳ vọng là bước tiến đột phá nhằm tạo ra sân chơi mới với cơ chế vượt trội, thu hút đầu tư, cạnh tranh với nước ngoài...