Cân nhắc quy định về công bố "tình trạng khẩn cấp về quốc phòng"

ANTD.VN - Theo dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình ra Quốc hội sáng nay, 10-11, Chủ tịch nước là người có quyền công bố quyết định tuyên bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
Theo điều 18 và điều 19 dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình ra Quốc hội sáng nay, 10-11, Chủ tịch nước là người có quyền công bố quyết định tuyên bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh.

Cân nhắc quy định về công bố "tình trạng khẩn cấp về quốc phòng" ảnh 1Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày tờ trình về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng, đến nay việc sửa đổi Luật này là rất cần thiết nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 46 điều (giảm 2 chương, 5 điều so với Luật quốc phòng năm 2005). Trong đó, đáng chú ý là tại Điều 18 của dự thảo Luật này quy định, khi Tổ quốc bị xâm lược, Quốc hội quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; giao cho Hội đồng quốc phòng và an ninh thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt. Khi không còn tình trạng chiến tranh, Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng chiến tranh.

Vẫn tại Điều 18 này, trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất. Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố quyết định tuyên bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh.

Tương tự, tại Điều 19 dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định, khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Chính phủ. Khi không còn tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo đề nghị của Chính phủ.

Điều 19 quy định thêm, căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố quyết định ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương. Trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, Chủ tịch nước công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Chính phủ...

Thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật khi xây dựng dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” tại dự thảo Luật.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” tại dự thảo Luật tuy kế thừa Luật Quốc phòng năm 2005, nhưng Hiến pháp năm 2013 và nhiều luật ban hành gần đây chỉ quy định về “tình trạng khẩn cấp”. Tham khảo Luật Quốc phòng một số nước cũng chỉ quy định về “tình trạng khẩn cấp”.  “Do đó, đề nghị cân nhắc, đồng thời làm rõ về sự cần thiết quy định nội dung này” – ông Võ Trọng Việt nói.