Cân nhắc quy định lãi suất cho vay

ANTĐ - Chiều 15-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, UBTVQH đưa ra 2 phương án. Một là, quy định mức lãi suất cố định trong Bộ luật Dân sự với mức tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. Hai là, giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định, quy định về trần lãi suất của Bộ luật Dân sự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác (có liên quan) có quy định khác.x

Chiều 15-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đến thời điểm này, nhiều nội dung tại dự thảo đã đạt được sự thống nhất cao song vẫn còn 2 nội dung chưa tìm được tiếng nói chung là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự và quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản.

Cân nhắc quy định lãi suất cho vay ảnh 1Hai phương án lãi suất cho vay sẽ được đưa ra biểu quyết trước Quốc hội (Ảnh minh họa)

Chỉnh lý lại quy định chuyển đổi giới tính

Về chuyển đổi giới tính (Điều 37 dự thảo), UBTVQH cho rằng, do việc chuyển đổi giới tính kéo theo nhiều vấn đề xã hội nên để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng (Điều 37 mới) và chỉnh lý nội dung này theo hướng: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định...”.

UBTVQH cũng đề nghị bỏ quy định về việc “Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái” vì cho rằng quy định này hạn chế quyền con người, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp; riêng một số trường hợp cá biệt đặt tên quá dài, ảnh hưởng đến công tác quản lý hộ tịch, không thuận tiện trong giao dịch cần được thuyết phục, vận động trong thực tiễn áp dụng…

2 phương án lãi suất cho vay

Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên UBTVQH xin ý kiến 2 phương án. Một là, quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. Hai là, giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của Bộ luật Dân sự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác (có liên quan) có quy định khác.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, Chính phủ nghiêng về phương án 2 vì Luật Ngân hàng Nhà nước vẫn quy định có lãi suất cơ bản. Mặt khác, các Bộ luật Dân sự trước và hiện hành vẫn lấy lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, việc nâng từ 150% lên 200% là do trượt giá. Còn nếu quy định cứng mức lãi suất cố định như phương án 1 thì khi có biến động xấu (như CPI tăng cao) sẽ khó linh hoạt trong việc điều chỉnh. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị nên áp dụng theo phương án 1, quy định mức lãi suất cố định là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. Phương án 1 có mặt tích cực là không phải sử dụng lãi suất cơ bản nhưng khi lạm phát vượt quá mức cho phép thì người cho vay bị thiệt. Còn nếu áp dụng theo phương án 2 thì điểm khó là nhiều năm nay Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cơ bản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ ưu, nhược điểm của 2 phương án trên, sau đó sẽ đưa ra biểu quyết trước Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị cần phải nghiên cứu, trao đổi, xem xét kỹ thêm: “Ngân hàng Nhà nước phải công bố lãi suất cơ bản để làm thước đo để các ngân hàng khác cho vay, chứ quy định cứng không quá 20% thì cũng chưa hợp lý, thực tế đã có thời kỳ lãi suất lên đến 40%”.