Kỳ họp thứ ba, HĐND TP Hà Nội khóa XV:

Cần nguồn vốn khổng lồ cho các dự án xây dựng cơ bản

ANTD.VN - Sáng qua 6-12, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về dự án, công trình trọng điểm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của thành phố và danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ưu tiên phát triển của địa phương.

Cần nguồn vốn khổng lồ cho các dự án xây dựng cơ bản  ảnh 1Dự kiến sẽ có 29 công trình trọng điểm được Hà Nội hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong giai đoạn 2016-2020

52 dự án, công trình trọng điểm

Trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, địa phương, UBND TP đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 cấp thành phố. Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội cho hay, trong khi tổng nhu cầu vốn đầu tư công của Hà Nội là 249.315 tỷ đồng thì nguồn vốn dành cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 là 90.910 tỷ đồng. Như vậy, với phương án tỷ lệ điều tiết ngân sách 35% thì nguồn vốn đầu tư công mới đáp ứng được 36,4% nhu cầu vốn đầu tư công cấp thành phố.

Mặt khác, thành phố cũng đã ưu tiên bố trí thu hồi khoản ứng trước vốn ngân sách Trung ương, vốn thanh quyết toán công trình hoàn thành và khoản dự phòng bắt buộc, tổng cộng là 10.519 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn đầu tư 5 năm giai đoạn 2016-2020 còn lại là 80.391 tỷ đồng, năm 2016 đã bố trí 16.009 tỷ đồng, dự kiến 4 năm 2017-2020 là 64.382 tỷ đồng. 

Về danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của giai đoạn 2016-2020, UBND TP đã rà soát và đề xuất tổng số 52 dự án, công trình trọng điểm, với tổng mức đầu tư khoảng 503.374 tỷ đồng, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 khoảng 217.468 tỷ đồng. 

Dự kiến sẽ có 29 công trình hoàn thành và đưa vào khai  thác sử dụng trong giai đoạn 2016-2020, 14 công trình hoàn thành sau năm 2020, 4 công trình hoàn thành xong các thủ tục đầu tư và khởi công trong giai đoạn 2016-2020 và 5 tuyến đường sắt đô thị hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để xúc tiến các thủ tục huy động, kêu gọi vốn đầu tư theo quy định. 

Dự toán thu 204.772 tỷ đồng ngân sách

Cũng trong sáng 6-12, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2017 đã chính thức được thông qua với 87/87 đại biểu tán thành, đạt 83,65% tổng số đại biểu. 

Ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, năm 2017, UBND TP xây dựng dự toán thu ngân sách bằng số dự toán Chính phủ giao là 204.772 tỷ đồng, tăng 35.352 tỷ đồng so với dự toán năm 2016. Trong đó, thu nội địa dự kiến là 185.772 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách, năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 nên việc xây dựng, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội nêu rõ, với những chỉ tiêu trên, nhiệm vụ thu ngân sách của Hà Nội trong năm 2017 là rất nặng nề trong điều kiện dự báo tăng trưởng kinh tế không có đột biến. Trong đó, những khoản thu lớn mà ngân sách địa phương được hưởng nhưng điều tiết giao rất cao sẽ tạo áp lực lớn đến việc phải thu đủ để đảm bảo nguồn chi cân đối ngân sách địa phương. 

Thống nhất với dự toán do UBND TP trình, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị trong chỉ đạo điều hành, UBND TP cần đặc biệt quan tâm đến các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo hoàn thành dự toán thu ngân sách.

Thông qua 3 nghị quyết quan trọng:

Hạn chế tình trạng di cư vào nội thành

Thống nhất với đề xuất của UBND TP về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 của HĐND TP về quy định diện tích bình quân đối với nhà thuê nội thành (15m2 sàn/người) để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành TP Hà Nội đến hết năm 2020, Ban Pháp chế và Ban Đô thị HĐND TP đánh giá, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11, bước đầu đã hạn chế tình trạng di cư vào nội thành. Thực tế, việc áp dụng Nghị quyết này đang được thực hiện thuận lợi và không khó khăn, vướng mắc, phù hợp với quy định của các luật, quy hoạch phân khu có liên quan.  

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung cải tạo, xây dựng mới các nhà ở cũ, công trình nguy hiểm xuống cấp nên sẽ có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc các quận tại khu vực nội đô lịch sử và khu vực hạn chế phát triển, phải cải tạo, xây dựng mới và thuộc diện phải xin ý kiến của HĐND TP trước. Nhưng nếu chờ đến kỳ họp HĐND TP để cho ý kiến thì sẽ không đáp ứng quy định về thời gian thực hiện thủ tục hành chính và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố. Do đó, việc đề xuất HĐND TP ủy quyền cho Thường trực HĐND TP xem xét, cho ý kiến trước khi UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 99 sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, đồng thời hiện thực hóa chủ trương “Chính phủ kiến tạo”.

Tăng trần học phí trường chất lượng cao

Chiều 6-12, HĐND TP cũng đã quyết nghị về việc điều chỉnh Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND, ngày 17-7-2013 của HĐND TP về “Cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô”.

Theo Nghị quyết được thông qua, mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được điều chỉnh tăng dần qua từng năm học từ nay tới năm 2020; từ năm học 2017-2018, mức tăng ở mức 400.000/học sinh/tháng. Cụ thể, với trường mầm non, tiểu học, mức trần năm học 2016-2017 là 3.900.000 đồng/học sinh/tháng, mỗi năm học tăng thêm 400.000 đồng; đến năm học 2019-2020 sẽ là 5.100.000 đồng/học sinh/tháng. Bậc THCS, THPT năm học 2016-2017 là 4.100.000 đồng/học sinh/tháng, mỗi năm học tăng thêm 400.000 đồng, đến năm học 2019-2020 là 5.300.000 đồng/học sinh/tháng… 

Biên chế công chức giảm 1,5%

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2017 và quyết định giao biên chế cho các cơ quan của thành phố, quận, huyện, thị xã. Theo đó, khối hành chính là 10.897 biên chế, bao gồm: 9.116 biên chế công chức (gồm dự phòng 3 biên chế), giảm 151 biên chế công chức so với năm 2016; lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 1.369 chỉ tiêu, tăng 17 chỉ tiêu so với năm 2016; lao động hợp đồng theo định mức là 412 chỉ tiêu. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 156.740, bao gồm: 135.123 biên chế viên chức (gồm dự phòng 270 biên chế), tăng 1.330 biên chế so với năm 2016, để bổ sung cho khối giáo dục, y tế; lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 12.705 chỉ tiêu, tăng 186 chỉ tiêu so với năm 2016; lao động hợp đồng theo định mức là 8.912 chỉ tiêu, tăng so với năm 2016 là 448 chỉ tiêu để bố trí đủ nhân viên nuôi dưỡng trong các trường mầm non.