Cần minh bạch thông tin và "khoanh vùng" vi phạm

ANTD.VN - Các chuyên gia về kinh tế đã đúc kết: “Xây dựng một thương hiệu có khi mất vài chục năm nhưng khi phá thì rất nhanh, có khi chỉ vài ngày”. Ấy là nói về thương hiệu của một sản phẩm, một doanh nghiệp cụ thể, còn trên bình diện quốc gia, thương hiệu của một loại sản phẩm như cà phê Việt Nam, cá tra Việt Nam, bưởi Việt Nam… còn dễ bị tổn thương hơn bởi phải gánh chịu áp lực đến từ hàng trăm, hàng nghìn nhánh nhỏ.

Trong bối cảnh quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, thương hiệu nông sản Việt Nam nằm trong nhóm dễ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Đôi khi, chỉ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nào đó có vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm là cả ngành hàng phải gánh chịu điều tiếng. Vì mối lo an toàn thực phẩm là bức xúc thường trực, cộng thêm tâm lý đám đông nên phần lớn người tiêu dùng không đủ bình tĩnh để “khoanh vùng”, tách bạch hành vi vi phạm của một cá nhân, một cơ sở với cả một ngành sản xuất. Sự sợ hãi thường lan nhanh hơn niềm tin và hệ quả là một bộ phận người tiêu dùng có thể tẩy chay loại hàng hóa vốn tin dùng bấy lâu vì một thông tin chưa được xác tín.

Trách nhiệm của các cơ quan truyền thông là đưa ra những thông điệp cảnh báo cộng đồng nếu phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm về an toàn thực phẩm; thậm chí báo chí phải góp phần “tạo phong trào trong nhân dân về đấu tranh, chống tình trạng làm gian, làm dối, làm ẩu trong sản xuất sản phẩm”. Dù vậy, mỗi thông tin công bố cũng cần sự cân nhắc và những bằng chứng cụ thể, rõ ràng để không gieo rắc sự hoang mang trong xã hội. Cần minh bạch thông tin và “khoanh vùng” hành vi vi phạm để đấu tranh quyết liệt với cái xấu, cái ác; với những kẻ bất chấp mọi thứ để đầu độc người dân, nhưng cũng không được làm ảnh hưởng tới cả một ngành hàng với hàng triệu người nông dân, hàng nghìn doanh nghiệp, nhà sản xuất… đang hàng ngày cần mẫn xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia.

Tương tự, các cơ quan chức năng cũng phải làm việc thận trọng, chắc chắn, không được phép cung cấp hay “rò rỉ” những thông tin mập mờ, chưa rõ ràng để rồi báo chí đưa tin và tạo ra “bức tranh” không trung thực về vi phạm của doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trên diện rộng. 

Đương nhiên, với những trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng cũng không thể kéo dài mãi thời gian cân nhắc, xem xét mà cần xử lý thật nhanh và đúng quy định của pháp luật; công bố kết quả giải quyết vụ việc để dư luận hiểu đúng về bản chất vụ việc, không để tác động tiêu cực lan rộng. Không có khuôn mẫu nào chung cho việc xử lý tất cả các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, tuy nhiên, nếu lực lượng chức năng và các cơ quan truyền thông làm hết trách nhiệm, đúng quy định pháp luật, chắc chắn, người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu sẽ có sự lựa chọn đúng đắn cho mình thay vì những hành vi tiêu cực.