Cần liên tục cập nhật thủ đoạn của tội phạm mạng

ANTĐ - Nhờ đầu tư nghiên cứu kỹ và chọn đề tài tốt, nhóm sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân đã đoạt giải Nhất cuộc thi Tài năng Khoa học năm 2014. Đề tài được đánh giá là thiết thực khi chỉ ra phương thức, thủ đoạn tội phạm sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản và khuyến nghị phòng ngừa.

Cần liên tục cập nhật thủ đoạn của tội phạm mạng ảnh 1Nhóm sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân và giảng viên hướng dẫn đoạt giải nhất 

“Bất cứ ai sử dụng smartphone, chỉ bật máy lên, vào mạng hay sử dụng ứng dụng định vị là có khả năng trở thành nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản” – Trần Phương Thảo, sinh viên ngành Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết về một trong những lý do nhóm lựa chọn đề tài liên quan đến các vụ lừa đảo qua mạng Internet. 

Ngoài những chiêu lừa thông thường, hành vi lừa đảo xuyên quốc gia, lừa đảo có hệ thống và tinh vi bằng công nghệ thông tin cũng đang hàng ngày đe dọa người dân, doanh nghiệp trong nước. Đáng chú ý, khi công nghệ thông tin càng phát triển thì những ứng dụng, tiện ích càng dễ trở thành công cụ cho những đối tượng lừa đảo.

Nhóm Trần Phương Thảo, Nguyễn Trung Nghĩa và Đỗ Thị Thúy đã đến các trại tạm giam, cùng các điều tra viên tìm hiểu đối tượng phạm tội, tìm đọc các báo cáo về quá trình phạm tội... “Phần lớn những tội phạm dạng này đều là những thanh niên có trình độ và am hiểu lĩnh vực công nghệ, để có thể xâm nhập, lấy dữ liệu… Chúng tôi nhận thấy, phải tự trang bị cho mình những hiểu biết sâu trong lĩnh vực công nghệ nếu không muốn để tội phạm qua mặt”, Nguyễn Trung Nghĩa tâm sự. 

Đại tá Nguyễn Minh Đức, giảng viên hướng dẫn của nhóm nghiên cứu nhận định, 70% tội phạm Internet ở độ tuổi từ 18 – 30. “Nhiều trường hợp phạm tội bởi tò mò, thích chinh phục. Đặc biệt, nhóm tội  phạm này bị kích thích bởi ý nghĩ ít có khả năng bị phát hiện vì mạng là môi trường ảo” – Đại tá Nguyễn Minh Đức phân tích. 

Cũng từ đề tài này, nhóm nghiên cứu của Trần Phương Thảo đã đưa ra nhiều giải pháp phòng ngừa. “Người dân, doanh nghiệp, nhất là những người làm ăn, giao dịch thông qua thương mại điện tử, cần được cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng”, Trần Phương Thảo nhấn mạnh, “Chúng tôi cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng và truyền thông liên tục cập nhật các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này”.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất sự phối hợp từ nhà trường, xã hội, gia đình để nắm được những đối tượng trẻ, giỏi công nghệ thông tin để giáo dục, định hướng cho các em để không vô tình phạm tội trong lĩnh vực này.