GS.NGND Nguyễn Lân Dũng:

“Cần lên án những kẻ làm ô danh lòng nhân ái của dân tộc

ANTĐ - Xung quanh con số 6.200 người nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết và một số vụ ẩu đả tranh cướp tại các lễ hội truyền thống vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.NGND Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

“Cần lên án những kẻ làm ô danh lòng nhân ái của dân tộc ảnh 1

Không thể quy kết người Việt ngày càng manh động

- PV: Thực trạng đáng buồn vừa qua nói lên điều gì về xã hội, cách đối nhân xử thế của người Việt Nam hiện nay thưa ông?

- GS.NGND. Nguyễn Lân Dũng: Truyền thống nhân ái là truyền thống từ xa xưa của nhân dân ta. Trong "Ngư tiều vấn đáp" nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu đã viết “Nghèo thì bắt chước xưa thanh/Gặp nàn trút đãy, cứu sinh mạng người. Giàu thời bắt chước xưa hào/Nợ lâu đốt khế, lúa vào đong ra. Còn ai cô quạnh mẹ cha/Lớn khôn gả cưới, bé nhà gìn nuôi. Thấy người đói khổ chớ nguôi/Chỗ cho cơm áo, chỗ lòi tiền lương”. Trước tội ác tày trời của kẻ thù phương Bắc mà Nguyễn Trãi vẫn chủ trương  “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. 

Bác Hồ luôn dùng chữ đồng bào trong các lời kêu gọi nhân dân ta. Bác từng viết: "Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc." Chính nhờ tinh thần đoàn kết, thân ái, vì nước quên thân, vì dân phục vụ mà trong suốt ngần ấy năm kháng chiến, quân và dân ta đã cùng nhau vượt qua biết bao hy sinh, gian khổ để thu được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hiện nay, lòng nhân ái vẫn tồn tại ở tuyệt đại đa số nhân dân. Biết bao tấm lòng tình nghĩa biểu hiện kịp thời khi nơi này nơi kia gặp thiên tai hay xảy ra tai nạn. 

Rất nhiều người đã dành dụm tiền bạc để chung tay xây cất trường lớp, bệnh viện, tặng học bổng, mổ mắt nhân đạo, quyên góp vì “Trái tim cho  em”… 

Cho đến nay, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng đến cuối đời; hàng chục vạn thân nhân của liệt sĩ được đỡ đầu; toàn dân góp nhiều tỉ đồng, của cải, công sức cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, giúp đỡ người già không nơi nương tựa, trẻ em gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Chính vì thế mà chuyện một số người làm ô danh đến lòng nhân ái vốn có của đồng bào cả nước là chuyện cần nghiêm túc lên án để chấm dứt trong đời sống xã hội.

- Nhiều người đổ tại rượu bia, theo ông, đây có phải lý do chính?

- Ít ai biết rằng chưa kể các loại rượu, riêng trong năm 2011, dân ta đã tiêu thụ tới 2,6 tỷ lít bia (!) và con số này ngày càng tăng. Không chỉ hại cho sức khỏe và tốn kém tiền bạc mà khi đã có lượng cồn quá ngưỡng trong máu, rượu bia còn liên quan đến trên 60% số vụ tai nạn giao thông. Chúng ta không thể quên chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Mùi 2015, toàn quốc xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông, khiến 317 người tử vong và 509 người bị thương. Ngoài ra, có tới 30% các vụ gây rối công cộng liên quan đến rượu và rượu bia còn là nguyên nhân của bạo lực gia đình và rất nhiều loại bệnh nguy hiểm. Người say không thể tự chủ được hành vi của mình và dễ dàng đánh mất tư cách bằng những hành vi ngu ngốc và tàn bạo. 

- Gần đây ở các lễ hội đầu năm, báo chí phản ánh hiện tượng nhiều người chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau để giành giật lộc may. Vậy có phải người Việt hiện nay ngày càng manh động, hung hăng hơn không, thưa ông?

- Chúng ta hiện có hơn 90 triệu dân, khoảng 70% là cư dân nông thôn. Nhìn chung xã hội vẫn luôn ổn định, đa số nhân dân hiền lành, chịu khó và các gia đình đều luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để cho con cháu ăn học. Tuy nhiên sự phân hóa giàu nghèo đang là một hiện tượng có thực. 

Chẳng hạn, báo chí đưa tin ở Vĩnh Phúc, có làng Tề Lỗ, nông dân sắm 120 chiếc xe con, trong đó có tới 40 đến 50 chiếc từ 400 đến 500 triệu đồng. Điều đó chứng tỏ nông dân bắt đầu khá giả và dùng phương tiện cao cấp để làm ăn và sinh hoạt. Nhưng trên báo mạng, báo giấy, không ngày nào không có những thông tin đáng buồn về những hành vi táo tợn, phi nhân tính, phi đạo đức. Chuyện "đinh tặc", "cát tặc", cẩu tặc"... thật đáng xấu hổ. Nhiều gia đình vì quá lo làm giàu mà coi nhẹ phần giáo dục con cái, để con thoải mái chơi game online hoặc đi chơi qua đêm, nghiện hút các loại ma túy tổng hợp cực mạnh... Tình trạng nông nghiệp và nông thôn còn nhiều khó khăn đã góp phần đẩy một bộ phận không nhỏ nam nữ thanh niên tự kiếm những công việc đầy cạm bẫy và ít tương lai ở đô thị. Tình hình giáo dục thiếu thực chất và chạy theo thành tích ảo đã làm xã hội mất niềm tin và đang hy vọng vào một cuộc cải cách giáo dục thật sự trong thời gian tới. 

Chuyện 6.200 người nhập viện vì đánh nhau trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán là vô cùng đáng tiếc. Tất nhiên, không thể quy kết người Việt hiện nay ngày càng manh động, vì đó chỉ là một bộ phận thiếu tư cách, nhưng cũng thật sự là một trong rất nhiều chuyện đáng buồn.

Luôn sẵn sàng hướng thiện

- Vậy làm thế nào để giảm bớt thói hung hăng ở nhiều người trẻ nơi công cộng, thưa ông? Chúng ta sẽ bắt đầu từ giáo dục hay cơ chế pháp luật?

- Trước hết, đội ngũ cán bộ, công chức phải làm theo đúng lời Bác Hồ đã nhiều lần ân cần căn dặn: “Phải làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc, chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”.  

Thứ hai, cần đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để làm cho mức sống của toàn thể dân chúng không thua kém các nước. Xin lấy một ví dụ để chúng ta cùng suy nghĩ: Thái Lan hiện nay GDP tính theo đầu người đạt tới 9.900 USD, trong khi Việt Nam chỉ có 4.000 USD. Riêng ngành du lịch hiện nay mỗi năm đem về tới 41,1 tỷ USD, trong khi Việt Nam là 7,5 tỷ USD (The World Almanac and Book of Face 2015). Tại sao như vậy? Thiên nhiên chúng ta không tươi đẹp và đa dạng như Thái Lan hay con người Việt Nam kém hiếu khách hơn Thái Lan? Đừng vội kết luận vì họ có Sex tour (!), không hẳn như vậy đâu. Tết vừa qua, gia đình tôi đi nghỉ ở Krabi, một khu du lịch "vùng xa" của Thái Lan và thấy thật lành mạnh với rất đông đảo du khách quốc tế. 

Đấy là chưa kể đến 4 con hổ châu Á: Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan... với điểm khởi đầu mà chúng ta đều biết rõ. Trong khi nền kinh tế còn cần thời gian để bứt phá thì công việc giáo dục thế hệ trẻ ở gia đình và trường học là hết sức quan trọng. Tôi đang được nhiều trường phổ thông mời nói chuyện trong chương trình ngoại khóa "Kỹ năng sống". Trông các cháu đáng yêu biết bao, hạnh phúc biết bao. Tôi chỉ kể chuyện về thế hệ mình học hành thế nào, những tấm gương hiện nay của biết bao thanh niên thành đạt dù theo đường khoa cử hay rẽ ngang lập nghiệp và để các cháu tự do đối thoại với mình. Hóa ra, các cháu có biết bao tâm tư cần giải tỏa và rất sẵn sàng hướng thiện nếu người lớn biết làm gương và nhiệt tình hướng dẫn. Đạo đức không phải là sự rao giảng, là tăng tiết giảng dạy chính khóa. 

GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (ĐHQG TP.HCM): 3 nguyên nhân làm gia tăng bạo lực
“Thứ nhất, trong thời buổi kinh tế thị trường, nếu sống chỉ vì mục đích kiếm tiền thì con người sẽ đi về đâu? Một xã hội mà giá trị vật chất lên ngôi, giá trị tinh thần đi xuống thì sẽ hỗn loạn thế nào? Thứ hai, do quản lý chưa hiệu quả, chế tài không nghiêm, người Việt “tự xử” khi xảy ra mâu thuẫn, họ sẵn sàng chửi bới, đánh nhau... theo cách tự nhiên. Thứ ba, chính là sự chênh lệch giàu nghèo. Điều đó khiến thói hung hăng của người Việt phát triển và đó là dấu hiệu cảnh báo theo hướng tiêu cực”.