Cần hạn chế dân nhập cư vào Hà Nội

(ANTĐ) - Sáng 11-5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và báo cáo Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 7.

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

Cần hạn chế dân nhập cư vào Hà Nội

(ANTĐ) - Sáng 11-5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và báo cáo Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 7.

Có 84,48% trong 3.000 phiếu lấy ý kiến nhân dân đồng ý với đồ án Quy hoạch Thủ đô

Có 84,48% trong 3.000 phiếu lấy ý kiến nhân dân đồng ý với đồ án Quy hoạch Thủ đô

Góp ý kiến vào bản Đồ án, các thành viên UBTVQH đã đánh giá cao những nỗ lực của Ban soạn thảo và nội dung quy hoạch, các định hướng, ý tưởng, định hướng chiến lược quy hoạch là khá rõ. Cơ quan chủ trì xây dựng Đồ án đã làm việc khẩn trương; nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng trong quá trình hoàn thiện Đồ án. Bản Đồ án đã được tập thể Chính phủ xem xét nhiều lần; đã được HĐND TP Hà Nội đóng góp ý kiến và lấy ý kiến của nhân dân, của các nhà khoa học, đáp ứng các điều kiện để báo cáo xin ý kiến Quốc hội.

Các thành viên UBTVQH cũng nêu rõ những băn khoăn, cân nhắc về các định hướng quy hoạch, trong đó có một số vấn đề cụ thể về không gian đô thị; quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia, quy hoạch giao thông, phát triển khu vực nông thôn, tổ chức quản lý và thực hiện Đồ án... Có ý kiến đề nghị không nên tách biệt giữa trung tâm hành chính quốc gia và trung tâm chính trị vì cho rằng chỉ có một Trung tâm hành chính và chính trị quốc gia. Hơn nữa, Đồ án chưa thể hiện rõ nét, kể cả bằng lời sự gắn kết giữa Trung tâm hành chính và Trung tâm chính trị hiện nay.

Theo đồ án quy hoạch, trong giai đoạn 2010-2020, Hà Nội sẽ khống chế nhập cư vào thành phố, dân số chủ yếu tăng tự nhiên. Đến năm 2020, dân số Thủ đô khoảng 7,1-7,4 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 64%. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 thì chỉ có dưới 10 triệu dân làm nông nghiệp, còn lại là thị dân, lấy công nghiệp là mũi nhọn. Do vậy, chỉ nên hạn chế dân nhập cư vào vùng lõi đô thị Hà Nội còn các thành phố vệ tinh thì vẫn thu hút dân cư đến sinh sống.

Các thành viên UBTVQH cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu về phương án tài chính, cần tính tới một đặc điểm của đầu tư xây dựng là chi phí thực tế sẽ gia tăng rất lớn so với dự toán, mặt khác trong đầu tư xây mới về hạ tầng thời gian gần đây ở Hà Nội, có tới 80% chi phí dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đề cập về nguồn vốn đầu tư 90 tỷ USD để xây dựng hạ tầng theo quy hoạch chung, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, theo đồ án nguồn lực chủ yếu dựa vào đất đai và tài chính công, sau đó mới huy động vốn doanh nghiệp và dân cư. Nhưng hiện nay mỗi năm Hà Nội thu ngân sách 72.000 tỷ đồng thì không đủ để đầu tư cho thành phố trong tương lai. Ông Hiển cho rằng, cần có chính sách đặc thù thì mới có thể đáp ứng đủ nguồn vốn để đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050 khoảng 90 tỷ USD. Khung hạ tầng chiếm 40-50% tổng vốn, như vậy đến năm 2030 cần có 20-30 tỷ USD đầu tư vào khung hạ tầng. Tuy nhiên, chi phí thực tế sẽ gia tăng rất lớn so với dự toán, do vậy cần làm rõ tính khả thi khi xây dựng tổng vốn cho hạ tầng khung của Hà Nội.

Giải trình tại phiên họp UBTVQH, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định, đơn vị tư vấn sẽ nghiêm túc tiếp thu và làm rõ các vấn đề mà các đại biểu đã đặt ra. Trong đồ án đã đưa ra lộ trình, thời gian, nguồn lực sơ bộ để xác định tính khả thi. Tuy nhiên, việc thực hiện phụ thuộc vào các cấp, các ngành chứ không phải là tính toán của các nhà tư vấn.

Đề cập vấn đề hạn chế dân nhập cư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, tăng dân số cơ học trên 3% thì hạ tầng đô thị sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Do vậy, việc khống chế mật độ dân cư là yêu cầu và mục tiêu khi xây dựng và quản lý đô thị. Đồ án đã tính toán vùng lõi của Hà Nội có 7,4 triệu dân là phù hợp. Còn giải pháp để hạn chế dân nhập cư thì sẽ do các cơ quan chức năng đưa ra, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường.

Các thành viên UBTVQH lưu ý ban soạn thảo cần tổ chức tốt việc tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đồ án, mặt khác cần tiếp tục đánh giá sâu hơn nữa thực trạng công tác quy hoạch và tình hình thực hiện các quy hoạch đã có (nhất là Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20-6-1998), thực trạng kinh tế- xã hội ở các vùng nông thôn của Hà Nội, Hà Tây cũ và các địa giới trước khi sáp nhập, thực trạng môi trường và một số nội dung liên quan khác để có thêm cơ sở vững chắc cho các định hướng quy hoạch.

Minh Hoàng