Thông tin thêm về bài: “Hát trong… hiểm họa”:

Cần “đóng cửa” những cơ sở không đảm bảo an toàn

ANTĐ - Báo ANTĐ đã nêu thực trạng đáng báo động: trên 90% quán karaoke ở 2 quận Đống Đa, Ba Đình (Hà Nội) vi phạm an toàn PCCC, không có lối thoát hiểm. Tiếp tục tìm hiểu vấn đề này, PV Báo ANTĐ đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội.

Cần “đóng cửa” những cơ sở không đảm bảo an toàn ảnh 1
- PV: Thưa ông, lực lượng Cảnh sát PC&CC thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí quán bar, karaoke như thế nào?

- Đại tá Nguyễn Văn Sơn: Hiện nay, thành phố có trên 1.000 cơ sở kinh doanh karaoke, bar. Trong những lần kiểm tra an toàn PCCC, hầu hết các cơ sở đều không đảm bảo an toàn theo quy định hiện hành, có nguy cơ cao về cháy nổ. 

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ này, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội đã giao cho các Phòng CS PC&CC quận, huyện phụ trách, kiểm tra, xử lý. Theo quy định, các cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke có không gian từ 1.500 m2 trở lên sẽ phải qua khâu thẩm duyệt an toàn PCCC của lực lượng Cảnh sát PC&CC trước khi đi vào hoạt động. Nói như vậy không có nghĩa là các cơ sở karaoke, quán bar có không gian dưới 1.500m2 thì được hoạt động tự do, mà vẫn phải thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn PCCC.

- Tại sao những cơ sở vi phạm về an toàn PCCC, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ nhưng vẫn tồn tại, thưa ông? 

- Qua rà soát, cơ quan CS PC&CC đã làm rõ, những cơ sở vi phạm quy định an toàn PCCC ở 2 quận Ba Đình và Đống Đa là do vấn đề lịch sử. Các cơ sở này đã được cấp phép hoạt động từ nhiều năm trước, khi quy định về an toàn PC&CC chưa được cụ thể, còn đơn giản. Đối với những trường hợp này, các Phòng CS PC&CC cơ sở đã kiểm tra, yêu cầu chủ kinh doanh thực hiện lắp đặt phương tiện an toàn PCCC theo quy định. Nếu trong lần kiểm tra thứ hai mà cơ sở vẫn không thực hiện đúng quy định thì CS PC&CC sẽ kiến nghị UBND quận, huyện có biện pháp xử lý. 

Với trách nhiệm và quan điểm đảm bảo an toàn PCCC cho người dân là trên hết, sau những lần kiểm tra phát hiện vi phạm, chúng tôi đã báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất thu hồi giấy phép kinh doanh của những cơ sở không đủ điều kiện để cải tạo; còn những cơ sở có thể cải tạo được phải yêu cầu thực hiện nghiêm túc và có hạn định cụ thể. Gần đây nhất, tháng 12-2014, trước nguy cơ cháy nổ cao từ một số cơ sở kinh doanh dịch vụ này, chúng tôi đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 chủ động phối hợp cùng UBND quận, CAQ Ba Đình, Đống Đa kiểm tra. Kết quả, đã phát hiện 110/118 cơ sở vi phạm về an an toàn PCCC. Chúng tôi đã có danh sách gửi cơ quan chức năng yêu cầu xử lý nghiêm. Cần lưu ý là cơ quan Cảnh sát PC&CC không có thẩm quyền thu hồi giấy phép đối với cơ sở vi phạm an toàn PCCC.  

-  Trước những nguy cơ mất an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh nêu trên, ông có kiến nghị, giải pháp gì?

- Qua các vụ cháy xảy ra thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy vấn đề an toàn PC&CC tại cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí loại này là rất bức thiết. Các vụ cháy đều xảy ra ở những cơ sở không đủ điều kiện an toàn PC&CC và đều đã nhiều lần bị xử phạt. Lực lượng CS PC&CC từng đề xuất cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý, tuy nhiên việc xử lý chưa nghiêm nên mới xảy ra hậu quả đáng tiếc. 

Để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản người dân, các cơ quan chức năng phải xử lý kiên quyết, thu hồi giấy phép kinh doanh những cơ sở mà CS PC&CC đã yêu cầu khắc phục nhưng không thực hiện. Cần chấm dứt hoạt động của những cơ sở không thể khắc phục được vi phạm an toàn PCCC. 

Cùng với đó, các cơ quan chức năng như Phòng văn hóa; Công an cơ sở, Cảnh sát PC&CC, UBND quận, huyện phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Phải đặt ra các mốc khắc phục cụ thể cho từng trường hợp vi phạm, nếu không thực hiện đúng hạn định thì phải nghiêm khắc đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh. Làm được như vậy mới giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra hỏa hoạn tại những cơ sở kinh doanh karaoke, bar.

 - Xin cảm ơn ông!