Cần đảm bảo bình đẳng khi đề xuất tăng tuổi hưu của nam và nữ

ANTD.VN - Trong dự luật sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, tuổi nghỉ hưu được thiết kế theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa lao động nam và nữ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nên quy định độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ bằng nam giới để đảm bảo bình đẳng.

Sau 5 năm đưa vào thực thi, Bộ luật Lao động hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động của doanh nghiệp cũng như chưa đảm bảo hết các quyền của người lao động. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang được Chính phủ giao soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đáng chú ý, trong dự thảo sửa đổi lần này là các nội dung về nâng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới.

Cần đảm bảo bình đẳng khi đề xuất tăng tuổi hưu của nam và nữ ảnh 1Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60, nam 62 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều

Kìm hãm sự phát triển của phụ nữ?

Tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung và tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ở mỗi quốc gia quy định không hoàn toàn giống nhau. Tùy thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, cơ cấu, tình trạng dân số và sức khỏe lao động, mỗi quốc gia xây dựng chính sách hưu trí, tuổi nghỉ hưu phù hợp với điều kiện của mình mình. Hơn nữa, các quốc gia cũng có sự điều chỉnh tuổi hưu theo từng thời kỳ, giai đoạn để phù hợp, thích nghi và phát triển.

Ví dụ như ở Canada, cả nam và nữ đều nghỉ hưu ở độ tuổi 65, nhưng mỗi người có thể lựa chọn nghỉ hưu ở độ tuổi 60 và nhận lương hưu ít hơn. Việt Nam là một trong 51 nước có độ tuổi nghỉ hưu chênh nhau từ 2-5 tuổi. Chính sách hưu trí và tuổi nghỉ hưu của lao động Việt Nam, trải qua nhiều giai đoạn thay đổi và phát triển, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ về cơ bản vẫn ổn định ở mốc tối đa 55 tuổi trong điều kiện lao động bình thường.

Theo các nhà nghiên cứu chính sách, vấn đề bình đẳng giới của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trên mọi lĩnh vực. Phụ nữ được tham gia, nắm giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế, tuy nhiên độ tuổi nghỉ hưu của nam giới vẫn cao hơn nữ giới.

Với điều kiện xã hội phát triển hiện nay, phụ nữ được đào tạo, giáo dục như nam giới. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 76, cao hơn nam giới 3 tuổi. Việc quy định nữ giới về hưu sớm hơn nam giới sẽ cản trở sự phát triển của phụ nữ. Nếu muốn ưu tiên, có thể ưu tiên về số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng tối đa chế độ khi về hưu đối với nữ. Do đó, để thúc đẩy bình đẳng giới, khi sửa đổi Bộ luật Lao động, các chuyên gia đề xuất nên quy định độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ và nam giới bằng nhau để đảm bảo điều kiện phát triển bình đẳng.

Quy định “mềm” để có lựa chọn

Trước đây người ta quan niệm phụ nữ cần có sự ưu tiên đặc biệt vì họ phải gánh trách nhiệm đối với gia đình và thể chất của họ yếu hơn so với nam giới. Vì vậy, chính sách nghỉ hưu đã ưu tiên cho phụ nữ nghỉ sớm hơn được cho là sự ưu ái hay sự bù đắp cho những gánh nặng của phụ nữ với vai trò là người lao động, người chăm sóc gia đình và xã hội. Tuy nhiên, thực tế lao động nữ sau khi nghỉ hưu hầu hết vẫn tiếp tục tham gia lao động và có thêm thu nhập ngoài lương hưu. 

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc điều chỉnh nâng tuổi hưu đối với lao động nữ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để đưa ra phương án hợp lý nhất. Tuy vậy, không phải cứ quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau ở mức 60 hoặc 62 tuổi mới là bình đẳng. Có thể, tuổi nghỉ hưu bằng nhau mới là bình đẳng, cũng có thể thấp hơn nhưng vẫn bảo đảm sự bình đẳng. Khi bàn về vấn đề này còn cần cân nhắc tới các yếu tố như tâm lý, sinh lý, yếu tố con người.

Nội dung đề xuất về tăng tuổi lao động - tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ thời gian gần đây được nhiều hội thảo đưa ra thảo luận, nghiên cứu. Ở những góc tiếp cận khác nhau việc tăng tuổi này được đánh giá tích cực hoặc chưa phù hợp. Tuy nhiên, nếu xem xét ở góc độ xu thế xã hội, vấn đề bình đẳng giới, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng điều quan trọng trong điều chỉnh tuổi hưu đối với lao động nữ là cần tạo điều kiện để phụ nữ được trao quyền. “Pháp luật có thể quy định tuổi về hưu như nhau đối với lao động nam và lao động nữ, tuy nhiên phụ nữ có quyền lựa chọn nghỉ sớm 2 năm hoặc 5 năm tùy từng trường hợp”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu giải pháp.

Tăng quá nhanh sẽ gây sốc

Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Bộ LĐ-TB&XH, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mà đơn vị này đang xây dựng đã chính thức đưa ra việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và nam lên 62 với 2 lộ trình để lấy ý kiến. Trong đó, phương án 1 là từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được điều chỉnh tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 tuổi. Theo phương án này, đến năm 2029, lao động nam sẽ về hưu ở tuổi 62, đến năm 2036, lao động nữ sẽ về hưu ở tuổi 60. Phương án 2 là kể từ 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, đến năm 2025, lao động nam sẽ về hưu ở tuổi 62 và đến năm 2031, lao động nữ sẽ về hưu ở tuổi 60. Đối với người bị suy giảm khả năng lao động hoặc làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì có thể về hưu sớm không quá 5 năm. Người lao động có trình độ chuyên môn cao có thể về hưu muộn hơn nhưng không quá 5 năm.

Lý giải việc cơ quan soạn thảo đưa ra lộ trình tăng tuổi hưu như trên, ông Hà Đình Bốn cho hay, về nguyên tắc, quy định tuổi nghỉ hưu được thiết kế theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa lao động nam và nữ. Tuy nhiên, việc tăng cần tiến hành theo lộ trình, đảm bảo không gây sốc cho doanh nghiệp, người lao động. Đồng thời, không tăng tuổi hưu quá nhanh cũng nhằm tránh làm đảo lộn các quy định về chi trả lương hưu và ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm xã hội. Hai phương án đặt ra để lấy ý kiến toàn dân, lựa chọn phương án hợp lý.

Nêu ý kiến về quá trình xây dựng luật, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cơ quan soạn thảo phải lắng nghe ý kiến của tất cả người lao động và nghiên cứu kỹ theo giới, theo nhóm đối tượng. Nếu lấy ý kiến người lao động thì đa số sẽ phản đối, không ai muốn làm việc đến 55 chứ chưa nói đến 60 tuổi. Khi lấy ý kiến phải công bằng, tính toán cụ thể, hướng tới mục tiêu ngành nghề làm việc tốt, đảm bảo sức khỏe có thể kéo dài thời gian làm việc thêm nhưng những ngành nghề lĩnh vực điều kiện lao động không tốt, mất an toàn thì đảm bảo người lao động về hưu sớm.

Ông Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội): Cần đảm bảo tính công bằng, bình đẳng

“Không phải cứ quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau ở mức 60 hoặc 62 tuổi mới là bình đẳng. Khi bàn về vấn đề này còn cần cân nhắc tới các yếu tố như tâm lý, sinh lý, yếu tố con người. Pháp luật có thể quy định tuổi về hưu như nhau đối với lao động nam và lao động nữ, tuy nhiên phụ nữ nên có quyền lựa chọn nghỉ sớm 2 năm hoặc 5 năm tùy từng trường hợp. Còn nếu lấy ý kiến người lao động về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu thì đa số sẽ phản đối, không ai muốn làm việc đến 55 chứ chưa nói đến 60. Khi lấy ý kiến phải công bằng, tính toán cụ thể, hướng tới mục tiêu ngành nghề làm việc tốt, đảm bảo sức khỏe có thể kéo dài thời gian làm việc thêm nhưng những ngành nghề lĩnh vực điều kiện lao động không tốt, mất an toàn thì đảm bảo người lao động về hưu sớm”.

Ông Hà Đình Bốn (Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Bộ LĐ-TB&XH): Đặt ra 2 lộ trình để toàn dân lựa chọn phương án hợp lý

“Về nguyên tắc, quy định tuổi nghỉ hưu được thiết kế theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa lao động nam và nữ. Tuy nhiên, việc tăng cần tiến hành theo lộ trình, đảm bảo không gây sốc cho doanh nghiệp, người lao động. Đồng thời, không tăng tuổi hưu quá nhanh cũng nhằm tránh làm đảo lộn các quy định về chi trả lương hưu và ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm xã hội. Hai phương án đặt ra để lấy ý kiến toàn dân, lựa chọn phương án hợp lý”.