Cần công khai, minh bạch, tránh phí chồng phí

ANTĐ - “Cần quy định rõ ràng và minh bạch loại phí, lệ phí nào do trung ương, loại nào do địa phương quyết định. Quy định chung chung thế này chẳng khác nào bủa lưới bắt cá trong đại dương” – ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề xuất.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phí và Lệ phí sáng nay 18-6, các quy định liên quan đến học phí và viện phí được hầu hết các đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Trong đó  nhiều ý kiến nhất trí nhất trí chuyển học phí của giáo dục đại học sang cơ chế giá, riêng học phí của bậc phổ thông vẫn giữ theo chế độ phí như hiện nay. Một số ý kiến không đồng tình với việc chuyển học phí và viện phí thành giá dịch vụ, Nhà nước phải đảm bảo các dịch vụ cơ bản nhất là học phí và viện phí cho người dân.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu

 ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội đặc biệt quan tâm đến việc chuyển học phí cấp học phổ thông sang cơ chế giá vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được học tập của người dân đã được quy định trong Hiến pháp. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP. Hà Nội) cũng đồng tình với ý kiến trên, đồng thời đề nghị quy định lộ trình, cơ chế quản lý, chính sách học phí cho các trường công lập, các trường hợp miễn giảm viện phí và học phí để những khoản thu này không trở thành là gánh nặng cho người dân, đặc biệt là người nghèo có hoàn cảnh khó khăm, đảm bảo mọi trẻ em đều được đến trường.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 18-6Về phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, một số ý kiến không đồng tình với việc quy định thu phí lòng đường, hè phố, vì có thể dẫn đến việc lấn chiếm lòng, hè phố. ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) cho rằng, nếu đặt ra loại phí này là vô hình trung chấp nhận cho người dân kinh doanh ở lòng đường, hè phố, khuyến khích họ vi phạm trật tự đô thị.

Đối với các hành vi nghiêm cấm, đa số ý kiến nhất trí việc quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong Dự thảo luật song vẫn cho rằng, quy định này vẫn còn chung chung, chưa đầy đủ, thiếu tính bao quát, chặt chẽ. 

Về một số nội dung khác liên quan, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, xây dựng dự án Luật phí và lệ phí không chỉ quan tâm đến vấn đề công khai và minh bạch mà phải coi trọng tính công bằng trong việc định ra các khoản phí, lệ phí. Bên cạnh đó, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quyền lợi, nghĩa vụ người dân với trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ công chức, khắc phục xu hướng tạm thu, tận thu và phí chồng phí. 

ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu, phải gắn Luật Phí và Lệ phí với các luật khác liên quan. ”Theo tôi, có hai nơi được quy định định mức phí, lệ phí là Ủy ban Thường vụ Quốc hội (quốc gia) và HĐND các cấp (địa phương). Tuy vậy, cần quy định rõ ràng và minh bạch loại phí, lệ phí nào do trung ương, loại nào do địa phương quyết định. Quy định chung chung thế này chẳng khác nào bủa lưới bắt cá đại dương” – ĐB Trần Du Lịch nêu quan điểm.