Việt Nam:
Cần có quy định ngưỡng melamine trong thực phẩm
(ANTĐ) - Đó là ý kiến của TS. Jean Marc Olivé - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, trong buổi làm việc với Bộ Y tế Việt Nam tối 8-12. Tại buổi làm việc, Bộ Y tế đã lấy ý kiến các chuyên gia của WHO về những nguyên tắc, trình tự thủ tục ban hành mức giới hạn melamine trong các sản phẩm thực phẩm.
Xét nghiệm kiểm tra an toàn thực phẩm |
Từ khi phát hiện melamine trong sữa và các sản phẩm sữa, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến các nhà khoa học về độc tính của melamine. Tất cả các chuyên gia đều thống nhất ý kiến tạm thời không đưa ra mức giới hạn melamine trong các sản phẩm thực phẩm. Tại hội nghị Bộ trưởng Y tế lần thứ 10 các nước Asian, các Bộ trưởng đều thống nhất ý kiến không được cho melamine vào thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo quan điểm của Bộ Y tế Việt Nam, nếu ban hành ngưỡng melamine trong thực phẩm thì có thể xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp sẽ cố tình cho melamine vào thực phẩm. Bộ Y tế Việt Nam cũng yêu cầu, cần tách rời vấn đề ban hành mức giới hạn an toàn của melamine với mức ăn hàng ngày chấp nhận được (TDI).
Trước khi WHO đưa ra khuyến cáo, Việt Nam đã đình chỉ lưu hành và thu giữ một lượng lớn sữa và các sản phẩm sữa, do vậy có chấp nhận hay không chấp nhận vấn đề hồi cứu lại các sản phẩm. Cần có tài liệu đánh giá mức độ đào thải của melamine trong thực phẩm của con người.
TS. Jean Marc Olivé cho biết, ngày 5-12 vừa qua, WHO đã thống nhất đưa ra mức ăn hàng ngày chấp nhận được (TDI) là 0,2mg/kg thể trọng và cũng khuyến cáo mức giới hạn đối với melamine trong các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ là 0,1ppm và người lớn là 0,2ppm.
Việt Nam nên đưa ra mức giới hạn an toàn đối với melamine sau khi đã có khuyến cáo của WHO. Theo TS. Jean Marc Olivé, có thể phân biệt được vấn đề cố tình cho thêm melamine vào thực phẩm và thôi nhiễm vào thực phẩm vì lượng melamine bị thôi nhiễm có hàm lượng rất thấp.
TS. Jean Marc Olivé cũng cho rằng, cần giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi ban hành mức giới hạn tối đa melamine đối với các doanh nghiệp: Sản phẩm có hàm lượng melamine thấp hơn mức quy định cho phép tiếp tục lưu thông trên thị trường; sản phẩm có hàm lượng melamine cao hơn mức quy định không cho phép tiếp tục lưu thông trên thị trường và tiến hành tiêu hủy.
Theo ý kiến được thống nhất tại cuộc họp, Việt Nam nên sớm đưa ra mức giới hạn an toàn đối với melamine, có thể lấy khuyến cáo của WHO làm căn cứ để đưa ra mức giới hạn đối với melamine trong thực phẩm. Do với hàm lượng khoảng 2,5mg/kg là rất thấp và sẽ không giúp cải thiện được vấn đề làm tăng hàm lượng protein trong thực phẩm vì vậy không nên đặt vấn đề cố tình cho melamine vào thực phẩm hay do thôi nhiễm melamine từ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, TS. Cao Minh Quang khẳng định, Bộ Y tế bảo lưu ý kiến tuyệt đối cấm bổ sung melamine vào thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, căn cứ vào khuyến cáo của WHO, Bộ Y tế đồng ý xem xét ban hành ngưỡng giới hạn tối đa cho phép của melamine trong thực phẩm. Bộ Y tế giao Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức xin ý kiến Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ Y tế và các chuyên gia trong lĩnh vực để đưa ra mức giới hạn an toàn đối với melamine trong thực phẩm.
Hiền Khanh