Cần có quy định giải quyết hậu quả pháp lý phát sinh từ chuyển đổi giới tính

ANTĐ -“Thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh. Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng” – Đó là một ý của Ủy ban pháp luật của Quốc hội về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), được thể hiện trong Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến người dân

Sáng 9-6, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 và biểu quyết thông qua Nghị quyết với kết quả biểu quyết là  427/437 ĐB tán thành( chiếm 86.26%)

Kết quả biểu quyết  thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015

Tiếp theo là phần trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Tại báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân, Bộ Tư pháp đã thống kê, tổng hợp khá chi tiết ý kiến của người dân đối với các quy định về quyền nhân nhân, chủ thể của quan hệ PLDS, hình thức sở hữu, thời hiệu, pháp nhân... 

Về quyền nhân thân, nhiều người dân đề nghị bổ sung: “Việc đặt tên không dài quá 5 từ, sử dụng bí danh, bút danh không được trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc”. Ủy ban pháp luật (UBPL) tán thành với quy định hạn chế việc đặt tên trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, song không tán thành quy định “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” vì cho rằng, quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày báo cáo trước Quốc hội

Với quy định về việc chuyển đổi giới tính, nhiều người dân cho rằng, quy định như Dự thảo BLDS còn quá chung, khó áp dụng trong thực tiễn, cần có điều khoản dẫn chiếu giao cho Chính phủ hoặc Bộ Y tế hướng dẫn những trường hợp cụ thể về xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính.

Tiếp thu ý kiến nhân dân, dự thảo quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật; người đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch cho phù hợp với giới tính của mình và có các quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Đối với việc chuyển đổi giới tính, dự thảo Bộ luật quy định theo hướng Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng cần có quy định để giải quyết hậu quả đối với một số trường hợp đã chuyển đổi giới tính.

Do chuyển đổi giới tính là một nhu cầu có thật của một bộ phận người dân, trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa cho phép nên một số người đã ra nước ngoài để thực hiện việc chuyển đổi giới tính, khi về nước họ không được thay đổi hộ tịch, gặp không ít khó khăn trong cuộc sống và việc tiếp cận dịch vụ y tế để duy trì giới tính mới. Vì vậy, bên cạnh quy định Nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính thì BLDS cần có quy định để giải quyết hậu quả pháp lý phát sinh từ vấn đề này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người chuyển đổi giới tính.

Năm 2016, Quốc hội sẽ có 3 kỳ họp

Cuối buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016. Theo đó, năm 2016, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp:

- Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII, diễn ra khoảng 10 ngày, vào cuối tháng 3-2016, tập trung vào việc tổng kết công tác cả nhiệm kỳ; thực hiện giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.

- Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV - kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, diễn ra khoảng 20 ngày cuối tháng 7-2016, chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước; xem xét báo cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.

- Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV, diễn ra vào cuối tháng 10-2016: tập trung vào các nội dung chính là kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát; tại kỳ họp này, dự kiến có tiến hành hoạt động chất vấn và giám sát 1 chuyên đề.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội ngày 9-6

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 nội dung: Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 -2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện). Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015; định hướng phát triển khoa học, công nghệ để đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015-2025 (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì thực hiện).

Tuy vậy, không có đại biểu nào phát biểu về các vấn đề này.

Chiều cùng ngày Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) với kết quả biểu quyết là: 422/425 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 85,25%).

Cuối buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.