Cần cấp dưới nói thẳng cái sai của cấp trên

ANTĐ - “Cần tập trung vào khuyết điểm, sửa chữa những gì còn yếu kém, chứ không phải mở ra một đợt để khen nhau”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã nói như vậy khi trao đổi nhanh với báo chí về định hướng chung của TP Hà Nội khi triển khai Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI.

- Thưa Bí thư Thành ủy, Hà Nội sắp tới sẽ triển khai việc kiểm điểm, phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 như thế nào?

- Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội: Thời gian và cách làm sẽ thực hiện theo kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương. Theo đó, Trung ương sẽ làm trước, cụ thể là Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương làm trước, tiếp đến là các tỉnh, thành phố. Đảng bộ TP Hà Nội sẽ thực hiện hết sức nghiêm túc, tự giác, đúng các yêu cầu của Trung ương. Ngoài ra, Hà Nội luôn nhấn mạnh và khuyến khích dân chủ hơn nữa trong việc mở rộng thêm diện góp ý cho thường vụ, cấp ủy, cán bộ lãnh đạo. Chẳng hạn, theo quy định, Ban Thường vụ Thành ủy khi kiểm điểm tập thể, kiểm điểm cá nhân thì chỉ lấy ý kiến của Ban Thường vụ cấp dưới trực tiếp. Tuy nhiên, Hà Nội muốn mở rộng hơn, tức là ngoài Ban Thường vụ thì sẽ lấy ý kiến của cả Ban chấp hành Đảng bộ, tới các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội... đối với tập thể, lãnh đạo phải kiểm điểm.

- Thưa đồng chí Bí thư, việc góp ý sẽ tập trung vào những nội dung gì? 

- Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội: Ý kiến tham gia sẽ chỉ ra ưu điểm là cái gì, nhược điểm như thế nào, đặc biệt là nên tập trung vào các vấn đề thiếu sót, khuyết điểm. Ưu điểm là đáng quý nhưng nên tập trung vào phân tích khuyết điểm, để từ đó sửa chữa cái yếu kém. Tôi nhấn mạnh định hướng chung như thế, chứ không phải mở ra một đợt phê bình, tự phê bình để khen ngợi lẫn nhau. Cấp dưới khen cấp trên thì khó gì. Cấp dưới dám nói thẳng, nói thật về cái sai, cái yếu kém của cấp trên mới là cần thiết. Ngoài ra, thành phố cũng chủ động việc đánh giá, nhận xét cán bộ thông qua việc kiểm điểm này. 

- Sau quá trình kiểm điểm, phê bình, Hà Nội sẽ làm tiếp như thế nào?

- Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội: Sau đợt này là bỏ phiếu, đánh giá hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ. Tiêu chí đánh giá sẽ ngắn gọn. Tựu trung lại là việc đồng chí đó đang làm là tốt hay không tốt, sẽ đánh giá tập trung vào khía cạnh đó là chính. Một năm cán bộ làm việc mà được đánh giá là quá yếu thì cần phải thay. Nếu thấy vị trí ấy cần người khác phù hợp hơn cũng sẽ thay. Một nhiệm kỳ 5 năm là dài, chờ hết 5 năm lâu quá. Nếu năm đầu tiên mà nhận thấy cán bộ đó không làm được thì sẽ thay luôn chứ không chờ 5 năm.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!