Cán bộ lãnh đạo cũng có thể vào diện tinh giản biên chế

ANTD.VN - Theo đề xuất mới nhất của Bộ Nội vụ, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức bộ máy thôi giữ chức vụ lãnh đạo; có thời gian công tác còn dưới 3 năm, nếu tự nguyện thì cũng sẽ được tinh giản biên chế.

Cán bộ lãnh đạo cũng có thể vào diện tinh giản biên chế ảnh 1Hà Nội đang triển khai đợt sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay (Ảnh minh họa)

Thêm 4 nhóm vào diện tinh giản biên chế

Liên quan tới chính sách tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đang dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng đề xuất bổ sung các trường hợp tinh giản biên chế.

Cụ thể, có 4 nhóm cán bộ, công chức, viên chức được bổ sung vào diện tinh giản biên chế gồm: người mà theo đề án vị trí việc làm cần đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn hoặc phải chuyển sang vị trí việc làm khác nhưng cá nhân không có nhu cầu, tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý. Cán bộ, công chức, viên chức có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế năng lực hoàn thành công việc được giao, có thể bố trí việc làm khác, nhưng cá nhân không có nhu cầu, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế. 

Cán bộ, công chức, viên chức có phân loại đánh giá xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm tinh giản biên chế và cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng đánh giá khó có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ do năng lực hạn chế.

Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức bộ máy thôi giữ chức vụ lãnh đạo, có thời gian công tác còn dưới 3 năm, nếu cá nhân tự nguyện thì cũng đưa vào diện tinh giản biên chế.

Chờ thẩm định tinh giản hơn 7.700 biên chế

Cũng về nội dung tinh giản biên chế, tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết, đến nay, thành phố đã giải quyết được 11 đợt, với 441 biên chế; tổng biên chế viên chức giảm so với số giao năm 2015 là 7.744 biên chế, tương đương 5,9% (theo lộ trình 3 năm phải giảm 5%).

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, trong quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức, đến hết tháng 9-2017, số biên chế thực hiện đều thấp hơn số lượng HĐND TP Hà Nội giao. UBND TP cũng đã phê duyệt xong đề án vị trí việc làm cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (chỉ còn 3 cơ quan hành chính Chi cục và 1 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở NN&PTNT đang chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về mô hình tổ chức). 

Đáng chú ý, về sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo 39, Sở Nội vụ đã tham mưu báo cáo UBND TP trình Bộ Nội vụ thẩm định 8 đợt tinh giản biên chế, ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí theo thẩm quyền với 325 trường hợp nghỉ tinh giản theo Nghị định 108/NĐ-CP. Cùng đó, Sở đang trình Bộ Nội vụ thẩm định 96 hồ sơ đợt I-2018 gồm: 668 biên chế giảm do sắp xếp tổ chức bộ máy; 6.635 biên chế giảm do chuyển đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên; 441 biên chế giảm do giải quyết chế độ theo Nghị định 108/NĐ-CP.

Cũng từ đầu năm tới nay, thành phố đã hoàn thành sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 ban quản lý dự án, hoàn thành tổ chức lại Quỹ đầu tư phát triển thành phố và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp cấp huyện, sáp nhập Trung tâm sát hạch để cấp phép lái xe trực thuộc Sở GTVT vào Tổng Công ty Vận tải Hà Nội; chuyển 5 trường trung cấp chuyên nghiệp và chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở GD-ĐT sang Sở LĐ-TB&XH quản lý. 

“Đây là lần kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai quyết liệt và thành công, được dư luận đánh giá cao” - bà Nguyễn Thị Liễu nói.