"Cán bộ, công chức tố cáo sai mà chỉ bị cảnh cáo thì nhẹ quá"

ANTD.VN - Đại biểu Hồ Đức Phớc cho rằng quy định người tố cáo sai là công nhân viên chức chịu áp dụng mức phạt cao nhất “Cảnh cáo” là quá nhẹ và đề nghị mức "Đuổi việc".

Chiều nay 30-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo, với nhiều ý kiến góp ý, phản biện sâu sắc nhằm hoàn thiện luật trước khi được đưa ra thảo luận tại hội trường ngày 16-6 tới.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng quy định phân biệt giới tính trong quá trình giải quyết tố cáo đưa vào luật là không ổn, vì vô hình trung thừa nhận từ trước đến nay chúng ta phân biệt nam và nữ trong hoạt động tố cáo. “Thực tế tôi cho rằng không có sự phân biệt nào cả. Thậm chí phụ nữ đi tố cáo mà không giải quyết cho họ còn ghê gớm hơn nam giới. Vì vậy tôi đề nghị nên bỏ quy định này”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu kiến nghị.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu đề nghị quy định rõ trong trường hợp cụ thể nào thì công an mới bảo vệ người tố cáo, người thân người tố cáo.

Bàn về quy định bảo vệ người tố cáo và người thân người tố cáo, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng dự thảo luật quy định cơ quan công an các cấp phải chịu trách nhiệm bảo vệ là không đúng với chức năng và thẩm quyền. 

“Lực lượng Công an nhân dân chỉ có chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm. Còn tất cả những cơ quan đứng ra để giải quyết tố cáo mà yêu cầu bảo vệ cho người tố cáo hoặc người thân của người tố cáo thì các cơ quan ấy phải thuê vệ sỹ bảo vệ, hoặc nếu yêu cầu công an thì cũng phải bỏ kinh phí ra để thuê. Ngoài ra, Điều 40, 45, 46 của dự thảo luật quy định rất nặng cho công an. Cụ thể, quy định lực lượng công an từ công an xã trở lên đều tham gia bảo vệ người tố cáo và người thân người tố cáo. Đề nghị xem lại, tiết chế lại và quy định trong trường hợp cụ thể nào thì công an mới bảo vệ người tố cáo, người thân người tố cáo”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đề nghị. 

ĐB Hồ Đức Phớc kiến nghị mức cao nhất là "Đuổi việc" đối với cán bộ, công chức tố cáo sai

Đề cập tới hình thức xử lý đối với người tố cáo, ĐB Hồ Đức Phớc (Nghệ An) cho rằng quy định người tố cáo sai là công nhân viên chức chịu áp dụng mức phạt cao nhất “Cảnh cáo” là quá nhẹ.

"Điều này không ổn, vì cán bộ công chức là người được đào tạo bài bản, am hiểu luật, làm trong những cơ quan công quyền, anh lợi dụng việc tố cáo để hạ uy tín người khác, vi phạm luật tố cáo mà chỉ bị cảnh cáo thì nhẹ quá, nhất là nếu so với những người bị tố cáo oan chịu ảnh hưởng về uy tín, danh dự, sự nghiệp. Vì vậy tôi đề nghị mức phạt cao nhất phải là đuổi việc", ĐB Hồ Đức Phớc nói. 

Cũng trong buổi thảo luận, nhiều ĐB băn khoăn về các quy định liên quan đến đơn tố cáo nặc danh, việc bổ sung quy định cho người tố cáo rút đơn…

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng nếu đơn không chính danh nhưng có chứng cứ nội dung, vật chứng thì có thể coi là nguồn cung cấp thông tin, nhất là hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, hay thông tin liên quan đến phòng chống tham nhũng.

Băn khoăn về quy định rút đơn tố cáo, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho biết qua giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo thấy rằng, trong một tuần Ban Dân nguyện nhận được 264 đơn, trong đó đơn khiếu nại chiếm 30%, tố cáo là 70%. 

“Đi giám sát tại địa phương chúng tôi thấy rằng chỉ có xin rút đơn khiếu nại còn tố cáo không rút. Vì khi có tố cáo rồi thì đã trải qua khiếu nại và có căn cứ bằng chứng. Đa số ý kiến tán thành với việc cho rút đơn tố cáo khi người tố cáo thấy không có căn cứ nên xin rút, nhưng tôi nghiêng về thiểu số đó là không cho rút. Vì thực tế có sự thỏa thuận giữa người tố cáo và người bị tố cáo, chưa kể người tố cáo bị đe dọa. Khi có đơn rút thì đình chỉ tố cáo lo sẽ bỏ lọt, là kẽ hở pháp luật để thỏa thuận hay đe dọa. Vì vậy khi có tố cáo coi đó giải quyết theo trình tự thủ tục đơn tố cáo”, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nói.