Cam kết của Bộ trưởng Y tế với bà con vùng cao

ANTĐ - So với mặt bằng chung của các tỉnh miền núi phía bắc, Cao Bằng có hệ thống cơ sở y tế được đánh giá là khá vững chắc. Dù vậy, khi khảo sát trực tiếp tại cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con và cán bộ y tế nơi đây mới thấy, việc đảm bảo mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ khó thực hiện được nếu không có các giải pháp, hỗ trợ kịp thời.

Cam kết của Bộ trưởng Y tế  với bà con vùng cao ảnh 1Bộ trưởng Bộ Y tế thăm hỏi một sản phụ mới sinh tại Bệnh viện huyện Hà Quảng (Cao Bằng)

Giảm nguy cơ tử vong tại nhà

Tại Cao Bằng, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản chính là bài toán nan giải nhất hiện nay. Bình quân toàn tỉnh hiện vẫn còn gần 28% số ca sinh đẻ tại nhà. Cũng vì thế, nguy cơ trẻ và bà mẹ tử vong khi sinh rất lớn. Bà Lê Thị Tuyết Chinh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, nếu như tỷ suất chết mẹ/100.000 trẻ đẻ sống bình quân của cả nước hiện nay là 69 thì tại Cao Bằng, ngành y tế đang cố gắng phấn đấu để đến năm 2015 tỷ lệ này là 110, tức cao hơn gấp rưỡi mức bình quân chung. 

Cùng đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đi khảo sát và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho y tế vùng cao, chúng tôi có dịp về làm việc với một số trạm y tế và Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Quảng, huyện nghèo nhất nhì của tỉnh Cao Bằng. Toàn huyện có 18 xã và 1 thị trấn thì có tới 12 xã vùng cao đặc biệt khó khăn, 7 xã biên giới, với 5 dân tộc sinh sống trong đó chủ yếu là người Tày, Nùng, Mông. Đây cũng là huyện có tỷ lệ bà mẹ sinh đẻ tại nhà, tỷ suất tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống cao nhất của tỉnh. Thậm chí thống kê cách đây 2-3 năm, vẫn có những xã trong huyện tỷ lệ bà mẹ sinh con tại nhà lên tới 85%. Hơn nữa, đa số các gia đình ở đây đều sinh đông con nên nguy cơ tai biến, tử vong trong lúc sinh đẻ rất lớn.

Bà Lê Thị Tuyết Chinh phân tích, 2/3 số bà mẹ tử vong khi sinh rơi vào các trường hợp sinh đẻ tại nhà. Nguyên nhân khiến số bà mẹ sinh đẻ tại nhà ở Hà Quảng cũng như các huyện khác trong tỉnh ở mức cao là do giao thông chia cắt, mạng lưới cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, cô đỡ thôn bản rất mỏng. Đặc biệt, ở các dân tộc Mông (tại Hà Quảng tỷ lệ người Mông chiếm đến 31%), Dao… vẫn còn nhiều hủ tục, tập quán nặng nề, không muốn người lạ động vào khi sinh đẻ… nên dù vận động rất nhiều nhưng họ vẫn không chịu đến cơ sở y tế.  

Là người trực tiếp gắn bó với công tác y tế ở địa phương, bác sĩ Mã Văn Quý, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Quảng cho biết thêm, các trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh chủ yếu do người mẹ không được tư vấn, chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ trước, trong khi sinh, dẫn tới tai biến. Rất nhiều trường hợp phụ nữ sinh đẻ tại nhà gặp tai biến, khi được đưa tới bệnh viện thì đã quá muộn, các bác sĩ cũng đành bó tay.

Sẽ đầu tư thỏa đáng hơn 

Bác sĩ Lục Văn Đại, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, ngành y tế Cao Bằng hiện không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất mà còn rất khó khăn về nhân lực, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng là đơn vị duy nhất được đầu tư, cải tạo, trang bị trang thiết bị thiết yếu cơ bản đáp ứng với hoạt động của một bệnh viện đa khoa hạng 2. Thế nhưng vào thăm bệnh viện này, chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất ngạc nhiên khi thấy phòng chạy thận của bệnh viện chỉ có 4 máy chạy thận nhân tạo, trong khi phải đảm nhiệm điều trị cho bệnh nhân toàn tỉnh. Bác sĩ Phương Đức Cù, Giám đốc bệnh viện báo cáo: “Đúng là nhu cầu điều trị, chạy thận của bệnh nhân khá đông nhưng do khó khăn về tài chính nên chưa thể mua thêm máy”.

Cả 14/14 bệnh viện tuyến huyện/ thành phố của Cao Bằng, chất lượng dịch vụ y tế hiện đều chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là hạn chế về công tác hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, toàn bộ 18 phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh hiện nay đều đã xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân địa phương song chưa có nguồn vốn để thực hiện cải tạo, nâng cấp. Ở tuyến dưới còn khó khăn hơn gấp bội khi có tới 126 trạm y tế xã được đầu tư xây dựng từ lâu hiện đã xuống cấp trầm trọng, chật hẹp, không đủ trang thiết bị và không có trang thiết bị chuyên khoa theo quy định của Bộ Y tế. Ngay một số cơ quan trực thuộc Sở như Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe còn chưa có trụ sở làm việc… 

Sau khi khảo sát hệ thống y tế tại Cao Bằng - trước đó 2 tháng là chuyến khảo sát hệ thống y tế các tỉnh Điện Biên, Bắc Kạn - trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của cán bộ y bác sĩ tại cơ sở và bà con nhân dân ở miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, chỉ khi tháo gỡ được khó khăn về nhân lực y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh của các địa phương này thì mới đáp ứng được khả năng khám chữa bệnh, điều trị tại địa phương, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải chuyển lên tuyến Trung ương. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cam kết, tới đây, ngoài các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nhân lực cho y tế các tỉnh miền núi như triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, đề án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về 62 huyện nghèo… thì Bộ Y tế sẽ cố gắng huy động các nguồn lực để đầu tư thỏa đáng hơn cho y tế cơ sở miền núi.

Từ năm 2015, người nghèo sẽ không phải cùng chi trả 5% BHYT

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, do Bộ Y tế tổ chức sáng 19-12.

 Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1-1-2015, Luật BHYT sửa đổi sẽ có hiệu lực với nhiều điểm mới liên quan đến quyền lợi của người khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể, bỏ quy định cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh đối với người nghèo, dân tộc thiểu số và người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống 5% đối với người thuộc hộ cận nghèo, các thân nhân khác của người có công và thanh toán 100% đối với người sống ở vùng huyện đảo, xã đảo… Đối với các địa phương có kết dư Quỹ BHYT thì sẽ được sử dụng 20% để hỗ trợ quỹ khám chữa bệnh người nghèo, mua thẻ BHYT cho một số đối tượng và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.