Cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội: Mất tiền, mất cả quyền lợi lâu dài

ANTD.VN - Hoạt động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội đang diễn ra khá sôi động thông qua các trang mạng xã hội, đặc biệt phổ biến ở các tỉnh phía Nam nơi tập trung nhiều khu công nghiệp.

Cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội: Mất tiền, mất cả quyền lợi lâu dài ảnh 1

Việc thu mua sổ bảo hiểm xã hội diễn ra khá sôi động tại các khu công nghiệp

Mua bán công khai trên mạng xã hội

Để thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ cuối năm 2016, cơ quan bảo hiểm xã hội bắt đầu tiến hành bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động quản lý. Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc bàn giao sổ bảo hiểm xã hội mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực như người lao động chủ động hơn trong việc quản lý quá trình đóng - hưởng của bản thân; tham gia giám sát việc người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội cho mình.

Từ đó, góp phần ngăn ngừa tình trạng người lao động bị trích trừ tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội nhưng chủ sử dụng lao động không nộp tiền về cơ quan bảo hiểm xã hội, trốn tránh trách nhiệm đóng thuộc chủ sử dụng và phần đóng của người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người lao động thay vì quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình đã mang đi cầm cố, thế chấp hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội để lấy tiền chi tiêu.

Hiện nay, không khó để tìm ra địa chỉ những trang thông tin, số điện đăng công khai thu mua sổ bảo hiểm xã hội.

Chỉ cần gõ cụm từ "mua sổ BHXH" trên google, ngay lập tức có hơn 900.000 kết quả trả về. Tại các fanpage trên Facebook cũng xuất hiện khá nhiều bải viết đăng tải với nội dung “nhận cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội” kèm hướng dẫn chi tiết giao dịch như: "Lưu ý, chụp rõ từng trang sổ bảo hiểm xã hội, mức lương, thời gian đóng gửi qua Zalo, Facebook, em sẽ báo giá. Khi đã thống nhất mức giá thì hẹn ở phòng công chứng. Sau khi làm xong giấy ủy quyền, giao sổ, bên anh/chị nhận tiền, thủ tục nhanh, gọn, không cần lên cơ quan bảo hiểm xã hội nữa”.

Vừa mất tiền vừa vi phạm pháp luật

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; không quy định việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội và không quy định cấp lại sổ đối với trường hợp người lao động đem đi thế chấp, mà chỉ cấp lại sổ khi bị hỏng, mất.

Sổ bảo hiểm xã hội không có giá trị cầm cố. Việc thế chấp là tự phát, mang tính chất dân sự giữa hai bên.

Phân tích kỹ hơn về nội dung này, Phó trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội giao quyền quản lý sổ  bảo hiểm xã hội cho người lao động đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm của họ.

Nếu người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố thì không được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, thậm chí khi bị phát hiện còn bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Người lao động sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để mua bán, trao đổi, thế chấp thì khi có tranh chấp về pháp luật, người lao động sẽ chịu thiệt.

Chính vì vậy, người lao động tuyệt đối không thế chấp hay bán lại sổ bảo hiểm xã hội của mình cho các đối tượng thu mua để phòng, tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Phải coi sổ bảo hiểm xã hội là một loại tài sản đặc biệt gắn liền với nhân thân, quyền lợi không thể tách rời của người lao động.

Còn đối với người, đơn vị nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, theo quy định tại Điều 28 quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 636/2016/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ bảo hiểm xã hội, dữ liệu về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động đảm bảo không giải quyết hưởng trùng.

Khi cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động, phải căn cứ trên dữ liệu về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trên phần mềm, nên chỉ giải quyết chế độ 1 lần, không thể giải quyết trùng lần nữa được.