Cái “uy” của ông thầy

ANTĐ -  Nghề dạy học là nghề khó khăn, gian khổ, âm thầm như người lái đò chở khách sang sông. Nhưng vinh quang của nghề dạy học là “dạy cho con người biết tư duy”.

Cái “uy” của ông thầy ảnh 1Nghề dạy học là nghề khó khăn, gian khổ, âm thầm nhưng đầy cao quý

1. Có một thực tế ở các trường: Cùng một lớp học, thầy A vào dạy thì học sinh ồn ào, không muốn học. Thầy giảng vã mồ hôi, nhưng “nước đổ đầu vịt”. Thầy cứ thao thao. Trò cứ… không nghe. Tiết sau, thầy B vào dạy, lớp hình như “lột xác”, trật tự, “nuốt” từng lời giảng của thầy, nhiều cánh tay giơ lên xin phát biểu ý kiến xây dựng bài. Ý kiến xuôi chiều, ngược chiều, phản biện... được học sinh háo hức đặt ra. Lớp học vui, bổ ích “học như chơi, chơi mà học”. Thầy B đã  thổi “hồn” vào bài giảng, đồng thời “đánh thức” lòng say mê học tập của cả lớp. 

Nhiều cuộc điều tra, trắc nghiệm, hội thảo đã đi đến kết luận, coi đó là một “chuẩn” để các thầy phấn đấu vươn tới: Thầy giáo muốn dạy tốt, thành công trong sự nghiệp “trồng người” nói chung, trong mỗi tiết dạy nói riêng, phải có cái “uy”- cái “uy” cần thiết, hay nói một cách khác, đó là cái phông văn hóa của ông thầy trước học trò.

2. Cái “uy” của ông thầy, không phải như ông đồ xưa, ngồi xếp bằng trên phản giữa nhà, bộ mặt khắc khổ, tay cầm roi mây xét nét, trò xanh mắt, khoanh tay, cúi rạp đọc theo thầy như con vẹt.

Cái “uy” của ông thầy thời hiện đại là tư thế, tác phong sư phạm. Về trang phục, học trò ngày nay yêu cầu mặc đồng phục áo trắng, quần xanh khi đến trường. Thầy lên lớp không thể mặc tùy tiện  tới mức, áo để ngoài quần, dép lê, đầu bù, tóc rối, chắc học sinh không theo được. Có câu chuyện vui về một thầy giáo dạy toán rất giỏi, nhưng hơi lập dị, giáo án thầy để trong bị cói, hàng ngày đeo đến trường. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, một học trò trịnh trọng tặng thầy một chiếc gậy bằng gỗ nhẵn bóng. Thầy hiểu ý trò, không cáu, còn vui vẻ nói: “Thế là thầy đã có đủ bộ bị gậy”. Thầy trò cùng cười… Nhưng từ tiết học sau, thầy thay bị bằng một chiếc cặp mới khi đứng trên bục giảng. Thầy tâm sự với cả lớp: “Thầy coi cái bị của thầy và cái gậy các em tặng thầy là một kỷ niệm không quên, đồng thời cũng là một bài học sư phạm chính các em đã dành cho thầy”.

Thầy phải luôn cẩn trọng trong tư thế, tác phong, trong lời ăn tiếng nói. Thầy tự tin mới truyền được niềm tin đến học trò. Thầy giảng bài, đi lại trên lớp là một “trực quan” cụ thể để học sinh “soi” vào đó mà noi theo. Cái “uy” của ông thầy được thể hiện trong quan hệ thầy trò, là thầy nhưng cũng là bạn. Như thế trò kính trọng, gần gũi, thân mật, khoảng cách về tuổi tác, nghề nghiệp thu lại, thầy trò hòa đồng tình cảm, trò tự giác hợp tác với thầy thì sự nghiệp “dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục mới có hiệu quả.

Cái “uy” của ông thầy thể hiện rõ nhất ở lòng “yêu người, yêu nghề”. “Yêu người” - coi học sinh là trung tâm trong nhà trường phổ thông, là đối tượng phục vụ bằng “tấm lòng cao cả”. “Tất cả vì học sinh thân yêu”! Thầy nghiêm khắc, yêu cầu cao với trò, nhưng biết độ lượng bao dung, tôn trọng nhân phẩm trò, kể cả lúc trò phạm sai lầm nghiêm trọng. “Uy” của thầy là để cảm hóa, khơi gợi, giúp trò thấy cái  chân, thiện, mỹ vươn lên thành người chân chính. “Yêu nghề” - say nghề, tinh thông nghề nghiệp, hiểu trò - đối tượng phục vụ, dạy sát đối tượng, nâng dần trình độ của trò. Sau 1 năm học, 1 tuần học, 1 tiết học, trò có những tiến bộ rõ rệt. Trò nào mà chẳng muốn như vậy. “Uy” của thầy được khẳng định. Nghề dạy học là nghề sáng tạo ra những con người sáng tạo. Người thầy muốn tạo uy tín nghề nghiệp, phải biết làm mới mình, luôn cải tiến phương pháp dạy học. Tri thức nhân loại tiến bộ không ngừng, là bài toán đố thách thức ông thầy phải tìm ra đáp số đúng, lời giải đẹp, thắp lửa trong trái tim học trò, giúp học trò thấy học tập là lẽ sống.

3. Nghề dạy học là nghề cao quý trong các nghề cao quý, người thầy phải tùy từng tình huống, đối tượng, lựa chọn lối ứng xử văn hóa phù hợp với học trò. Nghề dạy học là nghề khó khăn, gian khổ, âm thầm như người lái đò chở khách sang sông. Nhưng vinh quang của nghề dạy học là “dạy cho con người biết tư duy”. Ông thầy đã “mang” lấy nghiệp vào thân”. Ông thầy biết “sinh tử” cho nghề nghiệp sẽ được xã hội đánh giá rất cao.