Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: ​

Cải cách tư pháp hướng tới công bằng, dân chủ

ANTD.VN - Những ngày đầu tiên của năm 2017, nhận tấm thẻ ra vào trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, tôi Bước vào phòng làm việc của đồng chí Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV và được người đứng đầu ngành Tòa án Thủ đô tiếp đón một cách nồng ấm.   

Ngồn ngộn án từ

Chánh án Tòa án Hà Nội cởi mở chủ động bắt đầu câu chuyện: “Mời nhà báo uống nước, rồi có vấn đề gì xin cứ thẳng thắn góp ý, trao đổi”. Và rồi khi biết tôi muốn được hiểu sâu rộng thêm về công tác cải cách tư pháp của ngành Tòa án, đồng chí Nguyễn Hữu Chính càng thêm phấn chấn. Bởi lẽ lâu nay, công cuộc này vẫn luôn được các anh đeo đuổi và kết quả đem lại là rất đáng trân trọng. Thế nhưng ngặt nỗi là không phải ai cũng biết và được biết, nếu có biết thì thực tế là chẳng mấy khi quan tâm để ý và càng khó để “điểm mặt gọi tên”. 

Sơ lược một vài kết quả trong cải cách tư pháp, đồng chí Chánh án Nguyễn Hữu Chính khái quát, năm 2016, nói riêng về án hình sự, các thẩm phán cùng cán bộ của tòa án đã thụ lý 9.069 vụ, tương ứng với 14.835 bị cáo, tăng 182 vụ. Trong số ấy, đã khép lại 8.981 vụ với 14.503 bị cáo, tăng 265 vụ và đạt tỷ lệ giải quyết lên tới 99%.

Điều rất đáng tự hào là dù khối lượng án hình sự phải giải quyết rất lớn nhưng số lượng bản án bị hủy chỉ có 0,05% và số án bị sửa cũng chỉ ở con số 0,07%. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã tiếp tục phối hợp với các cơ quan tố tụng liên quan cùng chính quyền địa phương để xét xử gần 800 vụ án điểm và hơn 1.660 vụ án lưu động. Bằng hoạt động xét xử lưu động, hàng vạn người dân Thủ đô đã có thêm cơ hội được phổ biến và giáo dục pháp luật một cách trực quan sinh động. 

Nếu xét theo kênh thông tin báo chí thì hàng triệu người dân Hà Nội luôn được tiếp cận hoạt động xét xử của tòa án. Ngoài ra, còn là hàng chục nghìn vụ án về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và án hành chính. Theo nhẩm tính của đồng chí Chánh án, trung bình mỗi năm, mỗi Thẩm phán của Tòa án Hà Nội phải giải quyết tới hơn 80 vụ án.

Cải cách từ những việc nhỏ

Trò chuyện với phóng viên, Chánh án Nguyễn Hữu Chính nhắc tới nhiều thành quả trong cải cách tư pháp thời gian qua. Từ công tác thi hành án hình sự và xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách đến công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác hội thẩm nhân dân; quản lý kinh phí, cơ sở vật chất và đặc biệt là công tác hành chính tư pháp… Tất cả đều đi đầu trong toàn hệ thống tòa án nhân dân. 

Năm 2016, hai cấp tòa án ở Hà Nội thụ lý tới hơn 28.740 vụ án các loại, tăng 1.617 vụ. Trong đó đã giải quyết hơn 27.670 vụ, tăng 1.553 vụ, đạt tỷ lệ 96,25%. 

Tuy nhiên, với Chánh án Tòa án Thủ đô, vấn đề then chốt trong cải cách tư pháp phải là yếu tố con người và mục đích của nó không gì khác là hướng tới sự công bằng, dân chủ. Khái quát lại, đồng chí Chánh án ngắn gọn: “Cải cách tư pháp, đôi khi chỉ cần bắt đầu từ việc nhỏ”. Minh chứng cho lời nói của mình, đồng chí Chánh án khẳng định: “Cần kiểm chứng bằng thực tế”.

Quả thực ngay sau buổi trò chuyện, chúng tôi đã được đi xem một cách tỏ tường từng việc nhỏ ở Tòa án Hà Nội. Bằng chứng là khu xét xử, khu làm việc của cán bộ tòa án, khu tiếp công dân, khu tố tụng, phòng trích sao bản án, tài liệu và thậm chí là cả sân bãi đậu, đỗ phương tiện đều được bố trí gọn gàng, tiện lợi, hài hòa. 

Sâu hơn nữa, chúng tôi còn nhận ra việc sắp xếp, bố trí lại vị trí chỗ ngồi của tất cả những người có mặt tại mỗi phiên tòa trong từng hội trường xét xử đã được Tòa án Hà Nội nghiêm chỉnh thực hiện. Giờ đây, mỗi khi mở phiên tòa thì chỉ duy nhất Hội đồng xét xử được ngồi trên bục cao để thể hiện vai trung tâm cũng như trách nhiệm của mình.

Các thành phần còn lại gồm đại diện cơ quan truy tố, thư ký phiên tòa và luật sư đều được bố trí chỗ ngồi ngang bằng nhau trong suốt quá trình tố tụng. Phần lớn không gian còn lại sẽ dành cho bị cáo cùng những người tham gia tố tụng khác. 

Chúng tôi vẫn nhớ, để mỗi phòng xử án được bố trí chỗ ngồi như hiện nay vốn không phải là điều đơn giản. Trước đây, giới luật sư và cả báo giới đều từng nhiều lần đưa câu chuyện chỗ ngồi ở phiên tòa ra phân tích. Việc bố trí chỗ ngồi ở phòng xử án hiện nay chính là kết quả của công cuộc cải cách tư pháp mà khởi nguồn là Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.

Một việc nữa tuy nhỏ nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa, đó chính là tất cả Thẩm phán của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức mặc bộ áo choàng đặc biệt khi “thăng đường”. Với bộ trang phục mới mẻ, tất thảy những người có mặt trong phiên xử cùng có chung cảm nhận là sự tôn nghiêm ở nơi pháp đình và pháp luật được nâng cao.

Không có chuyện “án bỏ túi”

Khi chủ động đề cập đến hoạt động xét xử, đồng chí Chánh án cho biết: “Cải cách tư pháp, xét cho cùng trọng tâm phải là hoạt động xét xử” và cắt nghĩa: “Xét là xem xét toàn bộ hồ sơ, mục đích xét xử cũng như mọi tình tiết liên quan đến vụ án, còn xử là phân xử. Mà một khi đã được Đảng, Nhà nước và nhân nhân trao cho trọng trách này thì mỗi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cũng như cả hệ thống tòa án phải luôn lấy pháp luật làm thượng tôn và lấy sự công bằng, nghiêm minh làm chuẩn mực”.

Tuy nhiên, theo Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, để thấy được hiệu quả của cải cách tư pháp trong hoạt động xét xử cần phải nhìn một cách tổng thể trong cả quá trình giải quyết vụ án. Điều đó được thể hiện trước hết ở giai đoạn Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ vụ án. Quá trình ấy, nếu thấy thực sự cần thiết thì phải nhanh chóng trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tiếp đến khi ra phiên tòa, việc thẩm vấn phải được tiến hành rất kỹ lưỡng và mọi lời khai của bị cáo, nhân chứng, người liên quan đều phải được ghi nhận. Nối tiếp phần tranh luận, giai đoạn cực kỳ quan trọng là đánh giá chứng cứ và sau cùng mới là lượng hình và tuyên án.

“Nói một cách khát quát là như vậy, song ứng dụng nó vào thực tiễn thì lại rất khó để lượng hóa. Chính vì thế mà nghề Thẩm phán luôn đòi phải vừa có tài, lại vừa phải có tâm”, Chánh án Nguyễn Hữu Chính trăn trở. 

Dù rất khó để cặn kẽ từng khâu, từng việc làm thiết thực của những người “cầm cân nảy mực” khi thực hiện cải cách tư pháp trong hoạt động xử án, song là người theo dõi “mảng pháp đình” nhiều năm, điều mà tôi nhận thấy khá rõ là tại Tòa án Hà Nội đã không còn câu chuyện “truy tố thế nào xử thế ấy” và “án bỏ túi” nữa.

Điều này đồng nghĩa với việc, từ khá lâu rồi, hoạt động tranh luận giữa đại diện Viện kiểm sát và luật sư tại phiên xét xử đã không còn bị ai bó buộc. Thậm chí gần đây, ở một số vụ án, do chứng cứ buộc tội không vững chắc nên Tòa án Hà Nội đã tuyên bố bị cáo không phạm tội, đồng thời cũng đã khởi tố ngay tại tòa đối với những hành vi vi phạm pháp luật mà chưa bị “sờ đến”. Nói cách khác, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thực sự coi trọng kết quả đấu tranh bằng xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, trước khi đưa ra các phán quyết.