Cải cách tiền lương: Thiết thực tạo động lực để người lao động phấn đấu

ANTD.VN - Hệ thống bảng lương mới được thiết kế theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Tiền lương sẽ trở thành thu nhập chính, phản ánh đầy đủ thu nhập, đảm bảo đời sống cho người lao động và gia đình.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa XII diễn ra vào đầu tuần tới sẽ thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Hệ thống tiền lương hiện nay: Nhiều hạn chế, bất cập

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ, Việt Nam đã thực hiện cải cách tiền lương 4 lần từ những năm 1960, 1985, 1993 và 2003 nhưng đến nay chính sách tiền lương vẫn có nhiều bất cập.

Trong hơn 1 năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã tổ chức nhiều cuộc họp, tập trung khảo sát việc thực hiện chính sách tiền lương tại nhiều Bộ, ngành, địa phương. Theo ghi nhận ý kiến tại các cuộc họp, chính sách tiền lương của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập. Cụ thể là, tiền lương nhìn chung còn thấp, chưa linh hoạt, chưa gắn với nhiệm vụ, vị trí việc làm, hiệu quả công việc, chưa tạo động lực đủ mạnh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tài năng, cống hiến.

Một điểm bất cập nữa là chênh lệch thu nhập giữa những người làm công, ăn lương còn khá cao. Theo quy định hiện hành, mức lương cơ bản chiếm 100%, chỉ những ngành đặc thù có phụ cấp. Tuy nhiên, lâu nay cơ cấu này bị phá vỡ, mỗi cơ quan ra một văn bản quy định riêng, gây mâu thuẫn giữa các ngành nghề, so sánh giữa ngành nọ với ngành kia. 

Đây là bất cập tạo sự rối rắm, phức tạp trong hệ thống tiền lương. Việc thiết kế tiền lương theo ngạch, cộng phụ cấp chức danh lãnh đạo dẫn đến có trường hợp người lãnh đạo cao nhưng mức lương thấp hơn lãnh đạo thấp, chưa thể hiện được thứ bậc.

Tiền lương: Phải là thu nhập chính đảm bảo đời sống người lao động

Để giải quyết những bất cập trên, Đề án cải cách chính sách tiền lương nêu rõ quan điểm tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình. Trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của  Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.

Về nội dung cải cách, Đề án hướng tới việc xây dựng chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Xác định mức tiền lương thấp nhất của khu vực công từ năm 2021 bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp.

Nhà nước sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương thay vì như hiện nay tại một số cơ quan, tổ chức, các khoản phụ cấp gần ngang bằng, thậm chí còn cao hơn cả tiền lương, làm sai lệch bản chất của tiền lương.

Đề án chỉ rõ trong khu vực công, những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp) thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ, không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.

Do đó, thang, bảng lương hiện hành sẽ được bãi bỏ để ban hành hệ thống bảng lương mới quy định bằng số tiền tuyệt đối, thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Nội dung cải cách này được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất, mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.

Theo Đề án, Nhà nước sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương thay vì như hiện nay tại một số cơ quan, tổ chức, các khoản phụ cấp gần ngang bằng, thậm chí còn cao hơn cả tiền lương, làm sai lệch bản chất của tiền lương; tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương lấy từ nguồn tiết kiệm chi, tăng thu để trao cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị hay trao cho người lao động giỏi.

Cụ thể, Nhà nước sẽ ban hành hệ thống bảng lương mới gồm 3 bảng lương: Một là, bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Hai là, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, để khuyến khích người lao động tập trung làm chuyên môn.

Ba là, bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Trong đó chia ra bảng lương dành cho sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm), bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và bảng lương của công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Đối với khu vực doanh nghiệp, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động; giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Tiền lương sẽ là động lực khuyến khích người lao động nâng cao trình độ, tay nghề, hăng hái lao động sản xuất

Đề án cải cách tiền lương: Tự chủ để tăng thu nhập

Đề án cải cách tiền lương cũng hướng đến việc tăng tính tự chủ đối với cả khu vực doanh nghiệp lẫn đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với khu vực doanh nghiệp, đề án nêu định hướng tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được tự chủ quyết định chính sách tiền lương trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp. Theo Đề án, tiền lương của người đại diện vốn Nhà nước với tiền lương của Ban điều hành trong doanh nghiệp sẽ được tách bạch; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương; từng bước tiến tới thuê Hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho Hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế.

Để thực hiện nội dung cải cách trên, Đề án nêu giải pháp hoàn thiện xây dựng hệ thống vị trí việc làm để có cơ sở trả lương theo chức vụ, chức danh và vị trí việc làm. Hàng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương. Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hàng năm, phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

Nhà nước sẽ ban hành hệ thống bảng lương mới gồm 3 bảng lương:

Cải cách tiền lương: Thiết thực tạo động lực để người lao động phấn đấu ảnh 3
- Một là, bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. 

- Hai là, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, để khuyến khích người lao động tập trung làm chuyên môn. 

- Ba là, bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Trong đó chia ra bảng lương dành cho sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm), bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và bảng lương của công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Ông Nguyễn Quang Dũng (Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ): Cải thiện rõ rệt đời sống của cán bộ, công chức

Cải cách tiền lương: Thiết thực tạo động lực để người lao động phấn đấu ảnh 4

“Việt Nam đã thực hiện cải cách tiền lương 4 lần từ những năm 1960, 1985, 1993 và 2003 nhưng đến nay chính sách tiền lương vẫn có nhiều bất cập. Nếu Đề án cải cách tiền lương được thông qua và triển khai vào thực tế, tiền lương của cán bộ, công chức sẽ được cải thiện rõ rệt, sẽ tạo ra một mặt bằng mới là tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều được tăng lương. Khi ấy tiền lương sẽ là chính, phụ cấp chỉ chiếm phần nhỏ. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị còn có cơ chế tiền thưởng theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, sẽ tạo ra quyền chủ động của thủ trưởng các cơ quan trong chi trả tiền lương”.

Ông Phạm Minh Huân (Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội): Cần có cơ chế kiểm soát khi doanh nghiệp Nhà nước tự chủ trả lương

Cải cách tiền lương: Thiết thực tạo động lực để người lao động phấn đấu ảnh 5

“Để đạt được mục tiêu mức tiền lương thấp nhất của khu vực công từ năm 2021 bảo đảm không thấp hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp, cần nhiều cố gắng. Hiện lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp thấp nhất là gần 2,8 triệu đồng, trong khi lương cơ sở của khu vực công mới 1,3 triệu đồng. Với đề xuất giao quyền cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được tự chủ quyết định chính sách tiền lương, hiện doanh nghiệp ngoài Nhà nước vẫn tự chủ trả lương căn cứ theo thị trường lao động và độ phức tạp trong công việc. 

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Nhà nước, bên cạnh việc giao quyền cần có cơ chế kiểm soát. Về giải pháp, tôi đồng tình với quan điểm phải tiết kiệm từ nhiều nguồn khác nhau và cải cách tiền lương phải gắn chặt với tinh giản biên chế, thu gọn các ban của Đảng cũng như bộ máy hành chính từ Trung ương đến cấp huyện, xã”. 

Chị Trịnh Thị Thủy (Khu đô thị mới Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội): Muốn cải cách tiền lương hiệu quả cần sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Cải cách tiền lương: Thiết thực tạo động lực để người lao động phấn đấu ảnh 6

“Hiện nay, chính sách tiền lương đang còn nhiều bất cập. Tiền lương thấp, còn mang tính cào bằng, chưa linh hoạt, chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể, vị trí việc làm, hiệu quả công việc, chưa tạo động lực để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tài năng, tận tâm cống hiến cho công việc.

Bên cạnh đó, việc quản lý tiền lương, thu nhập còn thiếu công khai, minh bạch, cơ chế kiểm soát thu nhập kém hiệu quả… Đề án cải cách tiền lương nhằm khắc phục những vấn đề trên. Tôi hy vọng rằng, khi Đề án được thông qua và triển khai vào thực tế, tiền lương của cán bộ, công chức sẽ được cải thiện rõ rệt.

 Tuy vậy, vấn đề nhiều người băn khoăn hiện nay là để tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều được tăng lương thì sẽ bố trí quỹ lương từ nguồn nào? Bởi số lượng người hưởng lương từ ngân sách quá đông nhưng ngân sách thì eo hẹp. Do đó, theo quan điểm cá nhân tôi, để việc cải cách tiền lương có hiệu quả như mong muốn, một trong những nhiệm vụ tiên quyết là cần nhanh chóng sắp xếp lại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ”.

Anh Nguyễn Quang Hưng (ngõ 376, đường Bưởi, quận Ba Đình, TP Hà Nội): Tiền lương phải là thu nhập chính của người lao động

Cải cách tiền lương: Thiết thực tạo động lực để người lao động phấn đấu ảnh 7

“Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, nhằm bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ, Đề án cải cách tiền lương nêu rõ quan điểm: “Tiền lương phải là thu nhập chính”. Theo Đề án này, trong khu vực hưởng lương từ ngân sách, tiền lương phải là nguồn sống chính của người được hưởng lương nhằm khuyến khích họ toàn tâm, toàn ý cho công việc. Còn trong khu vực sản xuất, kinh doanh, tiền lương được hình thành phải gắn với năng suất và lợi nhuận của từng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền. Tiền lương của người đại diện vốn Nhà nước với tiền lương của Ban điều hành trong doanh nghiệp sẽ được tách bạch; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương; từng bước tiến tới thuê Hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho Hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế. Như vậy, tiền lương sẽ là động lực khuyến khích người lao động thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ, tay nghề, hăng hái lao động sản xuất, công tác. 

Đề án này không chỉ từng bước nâng mức lương tối thiểu nhằm bảo đảm tiền lương thực tế do chỉ số giá sinh hoạt tăng lên mà sẽ nâng dần mức sống của người hưởng lương. Bên cạnh đó là việc xóa bỏ các khoản bao cấp về nhà ở, điện, nước, dịch vụ, đi lại...

Ngoài ra, một trong những điểm mới nổi bật trong Đề án này là sẽ khắc phục bất cập trong chi trả lương theo bằng cấp. Theo đó, cán bộ công chức sẽ có hai bảng lương, một bảng lương dành cho các chức danh vị trí việc làm, một bảng dành cho cán bộ làm công việc thuần túy về chuyên môn.

Cán bộ, công chức, người lao động trong khu vực công có trình độ cao hơn thì lương cao hơn, lương của cấp trên cao hơn cấp dưới, tránh tình trạng ngược lại như hiện nay. Điều này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết nhằm đảm bảo công bằng trong chính sách tiền lương đối với người lao động”.