Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giải quyết bồi thường

ANTD.VN -Liên quan đến Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giải quyết bồi thường, khắc phục tình trạng kéo dài thời gian, chậm chi trả tiền bồi thường. 

Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) sửa đổi quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Quang cảnh phiên họp

Dự thảo quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, thi hành án hình sự... Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đọc Tờ trình trước Quốc hội

Thiệt hại được bồi thường là thiệt hại thực tế đã phát sinh, các khoản lãi và chi phí khác theo quy định của Luật. Giá trị các thiệt hại được bồi thường được tính tại thời điểm giải quyết yêu cầu bồi thường. Trường hợp Tòa án giải quyết bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự thì giá trị các thiệt hại vẫn được tính tại thời điểm giải quyết yêu cầu bồi thường trước đó. Dự thảo Luật đã bổ sung các thiệt hại được bồi thường phát sinh trong thực tế chưa được Luật TNBTCNN năm 2009 quy định giúp người bị thiệt hại có căn cứ xác định thiệt hại được bồi thường và mức yêu cầu bồi thường như: bổ sung quy định về căn cứ tính mức lãi suất, lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường như thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết...

Bên cạnh đó, so với Luật TNBTCNN năm 2009, dự thảo Luật sửa đổi đã quy định tăng mức thiệt hại về tinh thần trong một số trường hợp như bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù; sức khỏe bị xâm phạm; bị khởi tố, truy tố mà không bị tạm giữ, tạm giam... Việc tăng mức bồi thường cho các thiệt hại trên cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường, khắc phục tình trạng việc giải quyết bồi thường kéo dài, chậm cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường: Quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết bồi thường tại cơ quan giải quyết bồi thường (giảm từ 125 ngày xuống còn trên 50 ngày). Đồng thời, bổ sung quy định về việc hoãn, tạm đình chỉ và đình chỉ việc giải quyết bồi thường để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định, đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường có yêu cầu tạm ứng kinh phí bồi thường thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm thực hiện việc tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền bồi thường có thể tính được ngay cho người bị thiệt hại.