"Cách trả lời của Bộ trưởng rất giống Bộ trưởng 3 nhiệm kỳ trước"

ANTD.VN - Không hài lòng với phần trình bày trách nhiệm trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng: "Cách trả lời của Bộ trưởng rất giống Bộ trưởng của 3 nhiệm kỳ trước".

Chiều 14-6, ban điều hành Quốc hội dành thời lượng ít ỏi cuối phiên họp để các đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Có tới 50 đại biểu đã đăng ký đặt câu hỏi với người đầu ngành KH-ĐT.

Là người thứ 3 đặt câu hỏi, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) bày tỏ không đồng tình với báo cáo gửi các ĐBQH của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Cụ thể, đại biểu Kim Thúy cho biết trong phần trả lời của trách nhiệm bộ ngành và địa phương trong thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, riêng phần báo cáo của Bộ KH-ĐT dài 1 trang song chủ yếu trích dẫn văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy không hài lòng với phần báo cáo trách nhiệm của Bộ KH-ĐT

"Những văn bản này ĐBQH hoàn toàn có thể tra cứu được. Vấn đề đại biểu đặt ra là trách nhiệm của Bộ thế nào thì Bộ trưởng không nêu. Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống với cách trả lời của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cách đây 3 nhiệm kỳ, khi đó có đại biểu đã phải nhận xét trước hội trường là "Bộ trưởng đưa ra cả rừng luật nhưng chưa thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu!". Tôi đề nghị Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của mình và của Bộ trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như thế nào, có cam kết gì để khắc phục hạn chế".

Do thời gian không còn nên câu hỏi của đại biểu Kim Thúy sẽ được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời vào đầu giờ phiên họp sáng 15-6.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn chiều 14-6

Trước đó, người đứng đầu ngành KH-ĐT đã tận dụng 10 phút ít ỏi cuối phiên họp để trả lời một số câu hỏi của 2 đại biểu nêu trước đó.

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) về tình trạng nhiều dự án bố trí vốn thấp, kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến chậm phát huy hiệu quả đầu tư, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm thường chậm dẫn đến giải ngân chậm làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đầu tư công ban hành là để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.

Song thực tế khi thực hiện luật này, nhu cầu đầu tư phát triển của từng ngành, từng địa phương trong 5 năm rất lớn, trong khi khả năng thu xếp vốn của chúng ta thấp hơn nhu cầu nên đúng là vẫn chưa được tập trung.

Người đứng đầu ngành KH-ĐT cũng thừa nhận việc thực hiện các thủ tục mới theo luật mới áp dụng tại địa phương còn lúng túng, việc hướng dẫn của các bộ ngành trong đó có Bộ KH-ĐT còn chậm, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ dự án.

"Tôi xin nhận trách nhiệm trong việc chưa cương quyết, còn nể nang trong việc yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định Luật đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM), ngành nông nghiệp nước ta có nhiều tiềm năng nhưng tổng vốn đầu xã hội đầu tư cho lĩnh vực này còn quá khiêm tốn.

"Khu vực này rất cần vốn đầu tư nước ngoài nhưng hiện tỷ lệ thu hút chỉ được 1-2%. Giải pháp của Chính phủ là gì với công nghệ cao, nông nghiệp tiên tiến và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam?", đại biểu Trần Hoàng Ngân hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết giai đoạn tới đây đầu tư nhà nước dự báo còn khó khăn, phải dựa vào đầu tư nước ngoài, đầu tư của tư nhân, xã hội...

“Nhưng phải hướng đến ngành nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện tới môi trường”, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.