“Cách ly” sư tử đá ngoại lai khỏi di tích: Đòi hỏi thay đổi nhận thức từ làng nghề đá

ANTĐ - Tại làng Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình vẫn bắt gặp cảnh sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ các mẫu sư tử đá ngoại lai, dù Bộ VH-TT&DL đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không sử dụng, sản xuất, cung tiến sản phẩm “lạ” này nơi công cộng.

Những người làm nghề ở làng đá cho rằng, họ sẵn sàng sản xuất
những sản phẩm mỹ nghệ thuần Việt nếu có người mua

Còn cầu, còn cung

Ninh Vân là một trong những làng đá mỹ nghệ lớn nhất miền Bắc, chuyên cung cấp các sản phẩm chế tác từ đá. Theo ghi nhận của phóng viên ANTĐ, gần 1 tháng sau khi có văn bản khuyến cáo của Bộ VH-TT&DL, việc sản xuất sư tử đá theo mẫu của nước ngoài ở đây vẫn rất phổ biến. Những cặp sư tử đá nhe răng dữ tợn với đủ kiểu dáng, kích thước được các chủ xưởng đặt ngay mặt đường như một cách “chào hàng”. Anh Nguyễn Văn Hồng, công nhân một xưởng chế tác đá mỹ nghệ vừa chạm khắc bộ răng nanh cho một con sư tử đá vừa cho chúng tôi biết: “Thợ ở đây vẫn được đặt làm các mẫu sư tử như thế này”.

Chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất của anh Phan Bình, một trong những cơ sở sản xuất sư tử đá nhiều nhất làng Ninh Vân. Biết chúng tôi là nhà báo đến tìm hiểu, anh Bình cho biết, cơ sở của anh cũng như nhiều xưởng khác trong làng vẫn nhận được các đơn đặt hàng sản xuất các mẫu sư tử đá. “Ngày nào mà chẳng có xe chở sản phẩm này đi bán. Tư nhân mua về trưng bày có, con nhang đệ tử cung tiến vào đền, chùa cũng có. Có người còn bảo mua về bày trước nhà thờ họ hoặc bày cả ở cơ quan cho hợp phong thủy (!?)”, anh Bình cho hay. Anh Phan Bình vốn là thợ đá mỹ nghệ quê Đà Nẵng ra Ninh Vân lập nghiệp. Hàng tháng, anh vẫn về Đà Nẵng nhập nguyên liệu ra Ninh Bình sản xuất. “Tôi thấy trong đó, các mẫu sư tử đá vẫn bán rất chạy. Ngày nào cũng có xe xuất hàng đi các tỉnh, thậm chí là xuất khẩu”, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Phan Bình cho biết thêm.

Người Việt nên dùng hàng “chuẩn Việt”

Không chỉ riêng khách hàng mà ngay cả người dân làng đá mỹ nghệ truyền thống Ninh Vân cũng chọn sư tử đá làm đồ trang trí, thường đặt trước cửa nhà. Tuy nhiên, với việc Bộ VH-TT&DL ra khuyến cáo di dời sư tử đá ra khỏi đình, chùa, cơ quan công quyền… rất có thể, thị trường sư tử đá ngoại lai của các làng đá mỹ nghệ, trong đó có Ninh Vân buộc phải thu hẹp. Làm sao để thị trường không bị ảnh hưởng là điều mà nhiều người dân Ninh Vân trăn trở. Ý tưởng chuyển hướng sang sản xuất sư tử đá có nguồn gốc Việt Nam để dần thay thế các mẫu cùng chủng loại của Trung Quốc, được xem như một gợi ý. Có điều, theo tâm sự của một chủ xưởng ở Ninh Vân, vấn đề vẫn nằm ở ý thức người mua: “Chúng tôi là người làm nghề để mưu sinh, nhu cầu khách thế nào thì chiều theo. Đa phần khách vẫn chuộng mấy mẫu thông dụng làm theo kiểu sư tử đá Trung Quốc, hoặc có người muốn khác lạ, thích “nhái” theo mẫu châu Âu chứ ít người mặn mà với mẫu sư tử đá của Việt Nam”.  

Trước nhu cầu thị trường còn rất lớn như hiện nay, rất khó hy vọng các mẫu sư tử đá không hợp thuần phong mỹ tục “tuyệt chủng”. Làm thế nào để người Việt ý thức được giá trị văn hóa, từ đó chuộng những sản phẩm văn hóa thuần Việt đang là thách thức đối với cơ quan quản lý. Trong lúc còn chưa tìm ra được lời giải thỏa đáng thì câu hỏi của chủ xưởng mỹ nghệ Phan Bình thay cho thắc mắc của người dân làng Ninh Vân rất đáng để suy ngẫm: “Tại sao chùa Bái Đính - ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, vẫn tồn tại cặp sư tử đá ngoại lai án ngữ trước cổng, nhưng không bị dẹp bỏ mà cơ quan quản lý văn hóa chỉ chăm chăm đi “cấm” người dân lao động như chúng tôi ngừng sản xuất mặt hàng này?”.

Trên thực tế, nhiều khách hàng chọn mua các mẫu sư tử đá ngoại lai đôi khi chỉ vì chạy theo phong trào, chứ chưa hẳn vì giá trị thẩm mỹ, càng không phải vì giá trị văn hóa mà nó mang lại. Nếu người mua hiểu được giá trị của các mẫu sư tử đá thuần Việt, những dị thú ngoại lai kia sẽ tự khắc bị đào thải. Để làm được điều này, chính quyền địa phương nơi có các làng nghề cần tuyên truyền định hướng các nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất trong việc chế tác những sản phẩm phù hợp với văn hóa Việt Nam, thay vì phó mặc và coi việc loại bỏ những dị thú ra khỏi đời sống văn hóa Việt là nhiệm vụ của riêng ngành quản lý văn hóa. Nếu chính quyền địa phương, chủ sản xuất, các nghệ nhân không thay đổi nhận thức, vẫn “có người đặt thì tôi cứ làm”, quá trình làm sạch những di tích sẽ vô cùng khó khăn.