Các vụ quan chức xây "biệt phủ" gây nhức nhối thường ở tỉnh nghèo

ANTD.VN -  Trong năm 2016, cả nước có 1,1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ có 3 người bị xử lý, đáng chú ý các vụ quan chức có vấn đề, xây biệt phủ chủ yếu xảy ra ở những tỉnh nghèo.
Trong năm 2016, cả nước có 1,1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ có 3 người bị xử lý, đáng chú ý các vụ quan chức có vấn đề, xây biệt phủ chủ yếu xảy ra ở những tỉnh nghèo.

Đây là những thông tin được Thanh tra Chính phủ đưa ra khi báo cáo tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, chiều 5-9. Ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%.

Biệt phủ của Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái vừa bị Thanh tra Chính phủ thanh tra

Tuy nhiên, trong số này chỉ có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập, gồm các Bộ NN&PTNT, Quốc phòng, Công Thương, Thành phố Hà Nội, Yên Bái, Đồng Nai. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao.

Cũng theo ông Đặng Công Huẩn, trong năm qua đã có 4 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, đều tập trung ở các tỉnh nghèo (gồm Quảng Nam 1 người, Kiên Giang 3 người…).

Thảo luận về báo cáo phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi đề cập đến việc kê khai tài sản là nguồn gốc tài sản hình thành của cán bộ quan chức, đặc biệt khi gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc nóng được dư luận quan tâm như vụ biệt phủ của quan chức ở Yên Bái…

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho biết, cử tri nói rằng cứ ở nơi nào có biệt phủ của quan chức, cán bộ có vấn đề, thì thường đó là những tỉnh nghèo, phải viện trợ ngân sách.

“Đáng chú ý là cứ khi có dư luận thì những cán bộ nơi đó lại giải thích như tài sản họ có được là từ bán chổi đót, đi buôn gà, như là một sự khinh nhờn pháp luật, coi thường dư luận, nhân dân, coi thường Đảng, Nhà nước” – ông Nguyễn Bá Sơn nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, không chống được tham nhũng không phải do trình độ yếu kém mà chính là do trách nhiệm, ý thức của cơ quan, của người làm công tác phòng chống tham nhũng chưa quyết liệt, vẫn còn tình trạng thanh tra giám sát nhưng chưa chỉ rõ sai phạm của bộ ngành, cá nhân nào.