Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành Chu Văn Hòa:

“Các sai phạm đã lộ diện, chỉ còn cần đấu tranh quyết liệt”

ANTĐ - Hàng loạt sai phạm đã bị phát hiện, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) liên tục đưa ra các quyết định đình bản, thu hồi sửa chữa, phạt hành chính, tạm dừng hoạt động rà soát quy trình... Tuy nhiên, những người trong cuộc phủ nhận “một năm sóng gió” và cho rằng tuy có nhiều chuyện không hay, nhưng đó là tín hiệu tốt vì những thủ thuật ranh ma đều vì thế mà lộ tẩy. 

 “Các sai phạm đã lộ diện, chỉ còn cần đấu tranh quyết liệt” ảnh 1

- PV: Có ý kiến cho rằng, liên tục để xảy ra những sai sót trong hoạt động in ấn và xuất bản là bởi khâu hậu kiểm còn lỏng lẻo. Quan điểm của Cục trưởng về vấn đề này thế nào?

- Ông Chu Văn Hòa: Hiện tại, Cục Xuất bản, In và Phát hành chỉ có 3 người ghi sổ lưu chiểu. Trong khi đó, mỗi năm có mấy trăm nghìn bản sách ra đời. Làm sao mà đọc cho xuể. Để đọc hết đòi hỏi hàng trăm nhà khoa học tham gia và phải xây dựng ít nhất cả trăm hội đồng, mỗi hội đồng có mấy chục thành viên để đánh giá từng đầu sách của từng thể loại. Điều đó có nghĩa, Nhà nước sẽ phải nuôi một bộ máy cồng kềnh chỉ để đọc soát. Phải hiểu thế này, công việc kiểm tra lưu chiểu là kiểm tra xác suất. Ví dụ, xem cuốn sách xuất bản có đúng với nhiệm vụ, chức năng đã đăng ký không. Đặc biệt là về tư tưởng, chính trị… Phân cấp quản lý rồi. Sách in sai, Giám đốc NXB là người đầu tiên chịu trách nhiệm, tiếp đó là biên tập viên. Hậu kiểm sách là người dân hậu kiểm, đâu phải Nhà nước. 

- Có nhiều cuốn sách, dù đã được thu hồi, nhưng vẫn bán tràn lan ngoài thị trường? Ai quản lý hoạt động này, thưa Cục trưởng? 

- Trách nhiệm thuộc về địa phương. Người của Cục Xuất bản, In và Phát hành làm sao mà đủ để đi khắp toàn quốc thu hồi. Khi đã có quyết định thu hồi, điều đó có nghĩa về mặt danh chính ngôn thuận, sách đã bị xóa hoàn toàn tư cách pháp nhân, và cuốn sách còn xuất hiện ở địa phương nào thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Trực tiếp ở đây là UBND các tỉnh thành và các Sở Thông tin-Truyền thông. Vai trò quản lý của họ ở đâu? Cục Xuất bản chỉ có những nhiệm vụ chính như: Trực tiếp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Tham mưu cho Nhà nước; Xây dựng quy hoạch phát triển từng giai đoạn; Tiến hành thanh tra kiểm tra và chỉ đạo thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra, kiểm tra có hai chức năng: thanh tra, kiểm tra trực tiếp đối với xuất bản phẩm thông qua hệ thống kiểm tra lưu chiểu, và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đối với các Sở Thông tin-Truyền thông cả nước. 

 “Các sai phạm đã lộ diện, chỉ còn cần đấu tranh quyết liệt” ảnh 2Siết chặt quản lý trong hoạt động xuất bản, độc giả sẽ không phải gặp những “thảm họa”
Ảnh: NGỌC TUẤN

- Với vai trò là người đứng đầu ngành xuất bản, cá nhân ông cảm thấy thế nào khi năm vừa qua đầy biến động đối với lĩnh vực mà ông quản lý?

- Tôi đảm nhận cương vị này tính đến nay đã tròn 3 năm. Với tôi, năm 2014 vừa qua là một năm báo hiệu sự thắng lợi của ngành xuất bản. Tôi nói thắng lợi là bởi, tất cả điểm yếu, thậm chí “thủ phạm” gây nên những rối loạn trong ngành xuất bản đã được nhận diện rõ ràng. Đặc biệt, vào thời điểm này, khi cả xã hội đồng tình. Vậy thì cơ quan quản lý chỉ còn phải hợp lực đấu tranh quyết liệt với những tiêu cực trong xuất bản mà thôi. 

- Nghĩa là chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một sự thay đổi cơ bản trong các hoạt động xuất bản, kể từ bây giờ?

- Đương nhiên. Hiện tại, với hệ thống luật cũng như các văn bản dưới luật đầy đủ, tôi cứ ví von thế này, hàng rào đã được vá kín, nếu như có sai phạm ở đâu, chúng tôi sẽ xử lý ngay đến đấy. Những năm trước, “chiếc lưới” của Luật Xuất bản bị thủng nên dù nhìn thấy “cá” chui qua những lỗ thủng đó nhưng không thể làm gì được. Có thể nói văn bản quy phạm pháp luật đã được hoàn thiện một bước tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý Nhà nước xử lý rốt ráo các sai phạm. Thứ nữa là chưa bao giờ xã hội lại dành cho ngành xuất bản một sự quan tâm như bây giờ. Bây giờ phải quyết tâm làm nếu không sẽ không bao giờ làm được. Tôi nghĩ phải tận dụng sự đồng thuận của xã hội.

- Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải kiện toàn lại hoạt động của hệ thống các NXB, thưa Cục trưởng?

- Dự tính, trong thời gian tới, chúng tôi  sẽ đào tạo lại các biên tập viên. Khóa học đầu tiên 3 lớp với 1.000 biên tập viên và vào quý I-2015, Cục Xuất bản sẽ cấp chứng chỉ hành nghề cho 300 biên tập viên. Kế hoạch thứ hai, Cục sẽ đổi giấy phép và kiện toàn hoạt động của các NXB. Hội Xuất bản được nâng lên là Hội chính trị nghề nghiệp. Kế hoạch thứ ba, tiếp nối việc xác định đây là ngành văn hóa tư tưởng thì vị trí xuất bản trong xã hội như thế nào sẽ được trả về đúng như vậy. 

- Xin cảm ơn ông!