Các khoản thu nhập tính vào lương đóng bảo hiểm xã hội: Doanh nghiệp lúng túng chờ hướng dẫn

ANTĐ - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Ngày triển khai đã cận kề, tuy nhiên doanh nghiệp và người lao động vẫn băn khoăn về các khoản phụ cấp, trợ cấp, những khoản hỗ trợ nào bị tính đóng bảo hiểm?

Các khoản thu nhập tính vào lương đóng bảo hiểm xã hội: Doanh nghiệp lúng túng chờ hướng dẫn ảnh 1Doanh nghiệp băn khoăn về các khoản trừ-đóng, lo gánh nặng phí bảo hiểm tăng thêm

Chưa rõ các khoản trừ-đóng

Để hạn chế tình trạng doanh nghiệp “chẻ nhỏ” thu nhập của người lao động, “né” đóng BHXH bằng cách chuyển lương thành phụ cấp, trợ cấp, Luật BHXH 2014 đã có thay đổi liên quan đến việc đóng-hưởng. Cụ thể, từ ngày 1-1-2016 đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ là mức lương và các khoản phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. 

Trước những thay đổi này, doanh nghiệp có nhiều thắc mắc về các khoản chi trả cho người lao động, khoản nào sẽ phải tính vào lương để làm cơ sở đóng BHXH. Đại diện một công ty dệt may trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, với cách tính mới này thì các khoản như: xăng xe, tiền ăn trưa, tiền chuyên cần, phụ cấp độc hại, thưởng xếp bậc…, khoản nào sẽ tính vào lương thu BHXH? Vị này cũng cho biết, hiện công ty đóng BHXH cho người lao động theo mức lương ghi trên hợp đồng. Ngoài mức lương cố định đó, người lao động còn được công ty trả thêm các khoản lương “mềm” theo năng suất lao động, không ghi trên hợp đồng và biến động từng tháng phụ thuộc vào kết quả sản xuất của người lao động. Do đó, công ty vẫn chưa rõ những khoản phải tính đóng BHXH.

Chị Nguyễn Thị Ngân (công nhân khu công nghiệp Thăng Long) băn khoăn, hiện chị đang phải nộp BHXH tính trên mức lương 3,1 triệu đồng/tháng, nhưng lương thực nhận thì thường gấp đôi. Công ty chưa có thông báo những khoản thu nhập nào ngoài mức lương ghi trên hợp đồng sẽ phải tính đóng bảo hiểm, nếu tính theo tổng thu nhập thì tiền phải đóng sẽ tăng gấp đôi. Do vậy, chị không biết sau này nghỉ hưu sẽ được nhận lương như thế nào, nhưng từ năm tới thu nhập hàng tháng sẽ giảm đi một phần.

Không thể hướng dẫn cụ thể

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp và người lao động, ông Nguyễn Duy Cường -     Phó Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các khoản được xem là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải căn cứ vào các yếu tố như điều kiện lao động, yếu tố phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt và mức độ thu hút để xác định các khoản trợ cấp, phụ cấp, các khoản bổ sung khác. Các khoản phụ cấp lương được ghi trên hợp đồng lao động sẽ là căn cứ tính đóng BHXH từ ngày 1-1-2016; các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động là căn cứ tính đóng BHXH từ ngày 1-1-2018.

Giải thích thêm về vấn đề trên, ông Tống Văn Lai - Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Bộ         LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định mới, kết cấu tiền lương gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Hiện nay, trên thực tế doanh nghiệp gọi tên các loại phụ cấp, bổ sung rất đa dạng (khoảng 50-60 loại) do đó không thể hướng dẫn theo tên gọi cụ thể, mà chỉ có thể hướng dẫn mang tính nguyên tắc, định hướng.

Những khoản bổ sung như: tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động sẽ không được xem là căn cứ tính đóng BHXH, kể cả đến năm 2018.

Ông Tống Văn Lai cũng thừa nhận, do thông tư hướng dẫn có tính nguyên tắc, định hướng nên trong quá trình thực hiện có thể phát sinh các cách hiểu khác nhau dẫn đến những tranh chấp. Tùy thuộc vào những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có những điều chỉnh để hoàn thiện các quy định của pháp luật.