Các hành vi "lệch chuẩn" của giáo viên cần phải được chấn chỉnh ngay trong Luật Giáo dục

ANTD.VN - Trước thực trạng vừa qua xảy ra nhiều vụ việc có hành vi ứng xử tiêu cực của giáo viên đối với học sinh, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, phải quy định rõ quy chế đạo đức của giáo viên ngay tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: Quochoi.vn)

Sáng nay, 12-3, tại Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Bên cạnh các vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo luật này, một số ý kiến đã bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề chuẩn mực đạo đức, ứng xử của nhà giáo…

Theo các đại biểu, thời gian vừa qua, trong dư luận, các hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo xuất hiện tuy không nhiều nhưng lại có ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là tác động lên đối tượng vị thành niên.

Dẫn ví dụ về vụ việc giáo viên xâm hại học sinh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, học sinh bị giáo viên xâm hại tuy là cá biệt nhưng cả xã hội quan tâm vì xưa nay nghề giáo là cao quý, được người dân tôn trọng.

Bà Nga nhấn mạnh, dù chỉ một vài người trong ngành giáo dục lệch chuẩn mực, vi phạm pháp luật và bị xử lý nhưng tác động đến tâm lý của xã hội là rất nghiêm trọng. Do vậy, vấn đề này cần được đề cập trong dự luật Giáo dục (sửa đổi).

Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, để khắc phục tình trạng lệch chuẩn của giáo viên thì cần quy định rõ về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của nhà giáo, không chỉ áp dụng tại trường học, trong giờ học chính khoá mà cả các giờ dạy thêm.

Bà Hải dẫn chứng, thực tế sự việc xảy ra ở Bắc Giang vừa qua, thầy giáo có những hành vi không đúng mực với học sinh xảy ra vào giờ dạy thêm. “Đây là vấn đề tôi rất trăn trở, đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số điều liên quan đến vấn đề này"- bà Hải đề nghị.

Tương tự, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung thêm các điều cấm chung; đồng thời quy định rõ nghĩa vụ và quy chế đạo đức của giáo viên vào ngay dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này.

Riêng với các quy định liên quan đến chính sách cho nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương. Vì vậy, Dự thảo Luật thiết kế quy định mang tính nguyên tắc về chính sách ưu tiên cho nhà giáo phù hợp đặc thù nghề nghiệp.

Theo đó, việc xác định vị thế, vai trò của nhà giáo, về đặc thù ngành giáo dục và quy định cụ thể về chính sách lương, phụ cấp bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp sẽ được Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hóa trong quá trình xây dựng đề án tiền lương mới trên nguyên tắc quy định bởi Luật này.