“Bút phê” tạo ra bất bình đẳng xã hội

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ số ra ngày 28-1 đăng bài “Bút phê - Không giá trị pháp lý nhưng… thừa quyền lực”, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến của  các chuyên gia phản hồi về vấn đề này...

“Bút phê” tạo ra bất bình đẳng xã hội ảnh 1

Hô biến “thua” thành “thắng”

Theo PGS. TS.Trịnh Hòa Bình - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nhắc đến “bút phê”, lâu nay trong bộ máy hành chính nước ta đã hình thành những quy chế bất thành văn mà chỉ những người trong cuộc - những người có lợi ích nhóm tương đồng mới có thể hiểu. Dù “bút phê” không có giá trị với người thứ ba và đôi khi những câu chữ trong đó tưởng như hết sức chung chung song giá trị quyền lực của nó thì không gì đo đếm được. Nhờ “bút phê”, những việc tưởng như bế tắc sẽ được giải quyết nhanh chóng, theo đó, lợi ích vật chất của những cá nhân liên quan sẽ có sự thay đổi… Đây là nguyên nhân phát sinh các bất bình đẳng trong xã hội, làm thay đổi thái độ ứng xử của cấp dưới đối với công việc mà họ được giao. “Bút phê” đặc biệt lợi hại trong lĩnh vực phê duyệt dự án, thi tuyển cán bộ… Nó có thể làm thay đổi cục diện tình hình, biến người thua thành người thắng, biến bên có năng lực vững mạnh trở thành bên yếu thế và ngược lại…

Có thể chia “bút phê” thành nhiều loại. Thứ nhất là những “bút phê” vô thưởng vô phạt, chỉ mang tính giải quyết công việc đơn thuần, kiểu như “đã xem”, “chuyển phòng X”... Thứ hai là những “bút phê” thể hiện chút ít quan điểm cá nhân của người phê: “nghiên cứu giải quyết”, “lưu ý”… Khi nhận được “bút phê” này, cấp dưới sẽ có phần quan tâm hơn trong khi xem xét đề nghị. Cuối cùng là loại “bút phê” mang tính quyền lực nhất, trên đó lãnh đạo thể hiện ý chí chủ quan của mình một cách khá rõ nét bằng các lời cảm thán, lời bình mà cấp dưới xem như đó là mệnh lệnh buộc phải thi hành: “giải quyết nhanh chóng theo yêu cầu của đương sự”, “cần được ưu tiên”… Kèm theo các “bút phê” này là hàng loạt quy ước, kí hiệu mà chỉ những người liên quan hiểu được.

Cũng theo PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, “bút phê” biểu hiện một phần văn hóa của người Việt, đó là thói xu nịnh cấp trên, coi mỗi lời lãnh đạo nói ra, viết ra như “khuôn vàng thước ngọc” nên phải tuyệt đối tuân thủ nhằm tranh thủ cảm tình, cầu lợi cho bản thân. Nó còn thể hiện tính cả nể, câu kết phe nhóm vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Điều đó thể hiện ở việc khi nhận được “bút phê” của cấp trên, cấp dưới thường căn cứ vào khẩu khí của “sếp” để đoán ý tứ, từ đó quyết định ủng hộ đến đâu. Trong trường hợp đoán trúng ý, họ sẽ được hưởng lợi từ “bút phê” này, còn nếu chẳng may đoán sai, hậu quả sẽ khôn lường.

Thái độ coi “bút phê” là trên hết, không quan tâm đến quy định của pháp luật chính là việc đặt lợi ích của bản thân, lợi ích nhóm lên hàng đầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho một số cá nhân và cho Nhà nước. Tuy vậy chỉ vì chữ “lợi”, “bút phê” vẫn có chỗ đứng vững chắc trong nhiều cơ quan và thỏa sức lộng hành…

Công cụ đảm bảo “lợi ích nhóm”

Bàn về mặt trái của “bút phê”, ông Cao Viết Trì - nguyên Chánh văn phòng Đảng ủy - Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận xét, có thể nói “bút phê” là một trong những công cụ đảm bảo lợi ích nhóm – lợi ích của một nhóm người liên kết với nhau, hỗ trợ nhau để cùng nhau giành được lợi ích nhất định và bảo vệ lợi ích đó. Đó là lợi ích mà họ có được nhờ vào những “phi vụ” nhạy cảm, thiếu minh bạch. Họ lợi dụng việc quản lý thiếu chặt chẽ của Nhà nước ở một khâu nào đó để cấu kết với nhau nhằm ăn chia, trục lợi. 

Từ trước đến nay việc “bút phê” trong các cơ quan Nhà nước diễn ra khá phổ biến vì một mặt nó thể hiện quyền lực của lãnh đạo, mặt khác do đây là sự chỉ đạo không chính thức nên trong trường hợp có sự cố xảy ra, việc quy kết trách nhiệm của người có “bút phê” gần như là không tưởng. Thực tế đã chứng minh “bút phê” có sức mạnh phi thường. Đã có không ít chuyện ngược đời xảy ra chỉ vì “bút phê”: doanh nghiệp Nhà nước đi làm thuê cho tư nhân, đơn vị có năng lực thực sự phải đi làm thầu phụ cho nhà thầu chính yếu kém hơn, người giỏi về chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, bằng cấp chính quy phải “nhường chỗ” cho  người chỉ vừa mới tốt nghiệp ĐH tại chức… Điều này dẫn đến hậu quả là một số công trình vừa mới khánh thành xong đã xuống cấp, nhiều cán bộ công chức Nhà nước dù đã “biên chế xịn” nhưng không soạn thảo nổi một văn bản đơn giản… Nực cười ở chỗ, do “bút phê” tràn lan nên đã xuất hiện tình trạng loạn “bút phê”, có những người cùng một lúc được nhiều nơi báo “trúng tuyển” do họ có trong tay “bút phê” của nhiều lãnh đạo. Mặt khác, trong một số trường hợp, những “bút phê” chung chung, thiếu rõ ràng của cấp trên đã vô tình tạo điều kiện để cấp dưới lợi dụng nhằm trục lợi cá nhân.

“Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, hạn chế tiêu cực, đặc biệt là lợi ích nhóm, Nhà nước cần sớm có quy định siết chặt việc sử dụng “bút phê” bằng việc nói rõ khi nào được “bút phê”, khi nào không. Trong trường hợp thấy cần có ý kiến, lãnh đạo các cơ quan cần ra văn bản chính thức chỉ đạo công khai. Đây cũng chính là căn cứ để xem xét trách nhiệm cá nhân khi xảy ra các sự cố” - ông Cao Viết Trìđề xuất.