Bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về từ châu Âu sau gần 70 năm lưu lạc

ANTD.VN - Sau gần 70 năm lưu lạc ở trời Tây, bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh của các cựu tù Côn Đảo đã trở về Việt Nam thông qua con đường ngoại giao. Tác phẩm điêu khắc này đã được gìn giữ và bảo quản nguyên trạng trong suốt quãng thời gian dài đằng đẵng với một tình yêu và sự trân trọng cao nhất. 

Tác giả của bức tượng là ai?

Bức tượng hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hồ Chí Minh và được tiếp nhận vào tháng 2-2020 trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài” diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao kỷ vật quý giá của các chiến sỹ Nhà tù Côn Đảo - bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh - cho ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc bảo tàng. 

Ít lâu sau, tháng 5-2020, bức tượng đã lần đầu tiên ra mắt công chúng Việt Nam tại triển lãm “Hồ Chí Minh - Những phác họa chân dung” do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức. Ngay khi xuất hiện, bức tượng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách. Tác phẩm thể hiện gương mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh với vầng trán cao, đôi mắt sáng và chòm râu bạc. Có thể nói, đây là một trong những bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện khá sớm ở Việt Nam, vào khoảng năm 1946.

Trong quá trình sưu tầm, các cán bộ bảo tàng đã phát hiện một dấu triện của NXB Nhân loại trên chân đế của bức tượng. Sau khi tra cứu tài liệu tại Thư viện quốc gia Việt Nam, tại tờ báo Cứu quốc năm 1946 có nhắc tới chi tiết về bức tượng này ra đời trong hoàn cảnh nào, giá bán là bao nhiêu và khuyến cáo các trường học, xí nghiệp, nhà máy, công sở… nên để bức tượng trong khu vực làm việc, học tập.

Theo tư liệu, bức tượng đã được NXB Nhân loại sản xuất với số lượng lớn bằng thạch cao và được hình thành với 2 phiên bản, một phiên bản to và một phiên bản nhỏ. Tuy nhiên, tác giả của bức tượng lại không được nhắc đến, và dù cố công tìm kiếm, các cán bộ của bảo tàng cũng chưa lần ra manh mối. Chỉ biết rằng, NXB Nhân loại là một nhà xuất bản có thể ra đời ở thời điểm những năm khoảng từ 1930 - 1940. Đây là giai đoạn các nhà xuất bản tư nhân mọc lên như nấm, đến mức mỗi tờ báo thường có một nhà xuất bản riêng. Nhưng đơn vị này được hình thành và sau đó giải thể ra sao hiện chưa tìm thấy có tài liệu nào ghi chép lại. 

Bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được những người chiến sĩ cộng sản mang từ đất liền tới nhà tù Côn Đảo. Và bằng một cách thần kỳ nào đó, bức tượng đã vượt qua nhiều vòng kiểm soát gắt gao của nhà tù thực dân đế quốc và có mặt ở “địa ngục trần gian”. Bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Khi các đồng chí của ta bị đày ra Côn Đảo, không hiểu sao họ đã bí mật mang theo được. Ở Côn Đảo, các chiến sĩ vẫn đặt bức tượng này trong những dịp tổ chức kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ trong nhà tù”.

Bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về từ châu Âu sau gần 70 năm lưu lạc ảnh 2Bằng một cách thần kỳ nào đó, bức tượng đã vượt qua nhiều vòng kiểm soát gắt gao để có mặt tại nhà tù Côn Đảo trong sự nâng niu của những tù nhân cộng sản

Sáng ngời ý chí cách mạng trong ngục tù tối tăm

Cùng quá trình tiếp nhận, sưu tầm và tìm hiểu các câu chuyện lịch sử về bức tượng, ông Hoa Đình Nghĩa - Phó phòng Sưu tầm (Bảo tàng Hồ Chí Minh) chia sẻ, sau khi đọc cuốn “Lịch sử nhà tù Côn Đảo”, ông đã được biết đến câu chuyện về sự cảm hóa của những người chiến sĩ cộng sản đối với các viên cai ngục Pháp, về tinh thần đấu tranh bất khuất của những tù nhân chính trị để giành lại quyền được nhận bưu phẩm, về những suất ăn trong ngày… Rất có thể, sự cảm hóa các viên cai ngục đã giúp cho bức tượng được mang trót lọt vào nhà tù. Nhưng đây chỉ là những giả thuyết suy đoán của một người làm công tác sưu tầm lâu năm như ông Hoa Đình Nghĩa đặt ra. 

Bức tượng đã được viên giám ngục Paul Atoine Miniconi (Pháp) phát hiện khi đang được giấu ở ngoài vườn. Thay vì phá hủy, viên giám ngục hiểu được những giá trị nhân văn, ý nghĩa tốt đẹp của những chiến sỹ cộng sản dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã quyết định giữ bức tượng đó như một kỷ niệm của riêng mình về những năm tháng làm việc tại Côn Đảo.

Sau khi mãn nhiệm ở Việt Nam, năm 1952 ông trở về sinh sống và làm việc tại đảo Corse (Pháp). Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông trân trọng, gìn giữ trong gia đình. Trước khi mất, ông đã để lại kỷ vật này cho con trai là Paul Miniconi, người đã từng sống cùng ông tại Côn Đảo vào thế kỷ trước.

Ngày 1-12-2019, ông Paul Miniconi cùng với nhà sử học Pháp Frank Senateur đã trao bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ông Nguyễn Thiệp - Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp để chuyển về bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản lưu giữ bức tượng này. Để làm rõ hơn các câu chuyện lịch sử liên quan tới bức tượng, ông Hoa Đình Nghĩa và các cán bộ bảo tàng đã liên hệ với các chiến sĩ lão thành cựu tù Côn Đảo. Tuy nhiên, do khu vực nhà tù Côn Đảo rộng lớn gồm nhiều khám, banh, nên không phải ai cũng được tiếp cận với bức tượng. 

Hơn thế, do thời gian đã lùi xa, các nhân chứng lịch sử đã mất nên cho tới nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh chưa sưu tầm được các câu chuyện do nhân chứng lịch sử cung cấp. Bên cạnh những điểm chưa được làm sáng rõ, câu chuyện về bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà tù Côn Đảo thập niên 40 của thế kỷ XX chính là minh chứng điển hình cho những giá trị tốt đẹp nhất, ngời sáng nhất trong chốn ngục tù tối tăm.

Hình ảnh Bác đã giúp những chiến sĩ cách mạng đang bị địch giam cầm vượt qua các trận đòn tra tấn dã man, những lần đàn áp đẫm máu của thực dân đế quốc để giữ sự ngời sáng của phẩm chất cộng sản, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng, vì dân tộc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang lại sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ cộng sản mà còn có sức cảm hóa ngay cả với những người lính bên kia chiến tuyến. Chính vì thế, viên cai ngục người Pháp Paul Atoine Miniconi đã lưu giữ bức tượng gần 70 năm qua bằng sự trân trọng, ngưỡng mộ vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam và có nguyện vọng đưa tác phẩm trở về cố quốc, nơi nó đã sinh ra và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Sau một hành trình dài lưu lạc, bức tượng đã có mặt ở một trong những bảo tàng lớn nhất cả nước - Bảo tàng Hồ Chí Minh - và đang được bảo quản ở điều kiện tốt nhất nhằm lưu giữ, phát huy giá trị hiện vật tại các cuộc trưng bày, triển lãm trong thời gian sắp tới. 

Tình cảm của các nghệ sĩ đối với vị cha già dân tộc 

Bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về từ châu Âu sau gần 70 năm lưu lạc ảnh 3

Ở lĩnh vực tạo hình, mỹ thuật, phải là các họa sĩ, nhà điêu khắc tài năng, vững về hình, về nghề mới dám thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. ởi sáng tác về Bác trước hết cần phải giống, sau đó là phải truyền được tình cảm, cảm nghĩ của cá nhân về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Có lẽ vì điều này mà cho tới nay, mỹ thuật Việt Nam đã sở hữu trong tay các bức tranh, bức tượng đẹp về Bác. Và chỉ nhìn các tác phẩm này, cũng có thể hiểu được tấm lòng của các nghệ sĩ đối với vị cha già dân tộc.

Bên cạnh đó, nền văn học nghệ thuật Việt Nam còn có nhiều tác phẩm văn thơ, ca khúc, tác phẩm múa về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và rất nhiều số này đã là các ca khúc đi cùng năm tháng, các vần thơ lay động lòng người hay các áng văn ghi tạc trong tâm khảm nhân dân. Lý do thì có nhiều nhưng điều đầu tiên cần kể đến chính là lối sống, phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh đã làm lớp lớp nghệ sĩ tôn kính.

Chưa nói tới bản thân Bác Hồ cũng là người sáng tác rất nhiều văn thơ. Tài năng của Người khiến ai nấy đều ngưỡng mộ và trân trọng. Sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh là sáng tác về một con người giản dị, rất đỗi thanh cao và đậm chất hy sinh. Chính vì thế, trong cuộc đời sáng tác, các nghệ sĩ đều hướng sự quan tâm và tìm tòi các thủ pháp nghệ thuật mới để tác phẩm hay hơn, mới hơn về Hồ Chủ tịch - Anh hùng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. 

Ông Nguyễn Bằng Lâm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam 

Những người nghệ sĩ gặp nhau ở lòng tôn kính đối với Bác Hồ

Bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về từ châu Âu sau gần 70 năm lưu lạc ảnh 4

Với một người làm công tác nghiên cứu, tôi đã xem và đọc nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều ca khúc đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và trở thành những bài ca bất hủ về một người con kiệt xuất của dân tộc. Nhiều tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc về Bác đã trở thành hình ảnh biểu trưng cho nhân cách, đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tôi cho rằng, lớp văn nghệ sĩ trước đây sáng tác về Bác hay như vậy là vì họ có cơ hội được gặp Bác, được trò chuyện cùng Bác và làm người nghệ sĩ xúc động. Chính sự rung động rất riêng tư ấy đã giúp những người làm sáng tác tạo ra các tác phẩm hay đến như thế. Nhưng nói như vậy không phải để khẳng định, lớp trẻ ngày nay không thể tạo nên các tác phẩm vượt qua cái bóng của cha anh mình. Bởi mỗi thế hệ có cách nhìn và quan điểm riêng nhưng họ gặp nhau ở tấm lòng, ở tình cảm với vị cha già dân tộc. Đặc biệt, ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ sẽ làm giàu hơn các tác phẩm văn hóa nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Nhà nghiên cứu Phạm Long