Bớt khẩu phần ăn, đánh đập học sinh mầm non

“Mật phục” một bữa ăn của trẻ, các phụ huynh trường Mầm non Thổ Tang, bắt quả tang các cô giáo bớt gần 16 kg dưa hấu; thực đơn ghi là cháo thịt băm nhưng bị biến thành cháo đỗ đen...

Bớt khẩu phần ăn, đánh đập học sinh mầm non

“Mật phục” một bữa ăn của trẻ, các phụ huynh trường Mầm non Thổ Tang, bắt quả tang các cô giáo bớt gần 16 kg dưa hấu; thực đơn ghi là cháo thịt băm nhưng bị biến thành cháo đỗ đen...

Ngoài ra, phụ huynh còn phát hiện nhiều vết bầm tím trên người các cháu.

Các cháu trường mầm non Thổ Tang vẫn say sưa học
Các cháu trường mầm non Thổ Tang vẫn say sưa học

Thế nhưng sáng 15/10, hơn 700 em học sinh của 27 lớp ở Trường Mầm non bán công Thổ Tang (Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vẫn ngoan ngoãn học hành. Các em còn quá nhỏ để nhận ra rằng, những thầy cô mến yêu đang đứng trên bục giảng chính là những người đã “ăn bớt” khẩu phần của các em hàng ngày...

“Biến” cháo thịt băm thành cháo đỗ đen

Anh Lê Văn Minh, hội trưởng Hội phụ huynh của trường cho biết: Thời gian gần đây có nhiều dư luận về việc bớt xén tiền và khẩu phần ăn của các cháu. Ngày 15 - 16/9/2007 chúng tôi đã gặp cô Ngân, Phó hiệu trưởng để trao đổi về vấn đề trên và đề nghị cô cho các phụ huynh được chứng kiến bữa ăn của các cháu nhưng cô sẵng giọng: “Các phụ huynh không được phép kiểm tra”.

Ngày 20/9/2007, một số phụ huynh đã “mật phục” bắt quả tang và lập biên bản việc các cô giáo bớt gần 16 kg dưa hấu/ bữa trong khẩu phần ăn của các cháu. Và nhà trường chỉ cho các cháu ăn cháo đỗ đen trong khi đó thực đơn ngày hôm đó lại ghi là cháo thịt băm.

Đơn kiến nghị của hội phụ huynh học sinh trường mầm non chuẩn Quốc gia này còn cho biết, Ban giám hiệu có nhiều biểu hiện bất minh trong việc thu chi tài chính và vi phạm đạo đức nhà giáo.

Cụ thể như: Thu tiền để mua máy phát điện và dầu để chạy máy là 100 nghìn đồng/em. Tại thời điểm thu có 6 lớp, mỗi lớp 70 - 80 em. Thế nhưng mỗi khi mất điện, chẳng thấy máy phát điện đâu. Một phụ huynh bức xúc và chất vấn Ban giám hiệu thì mới biết, máy phát điện đã “được” nhà trường cho mượn nên lúc cần dùng thì bị hỏng.

Thu tiền mua chăn, chiếu, gối, bát đũa... với mức 100 nghìn đồng/em nhưng không hề mua mới mà tận dụng lại đồ dùng của các em lớp mẫu giáo lớn đã chuyển lên lớp 1. Thu 34 nghìn đồng/em để mua đồ dùng học tập song hầu như không mua gì mới. Các cháu chỉ được “ngắm” những đồ chi cũ trước đó chứ không được sờ vào. Thu 10 nghìn đồng/em tiền khuyến học nhưng chưa bao giờ thấy trao thưởng hoặc tặng quà động viên các cháu...

Vào thời điểm thu các khoản trên, tổng số học sinh của trường có trên 300 em. Khi phụ huynh Lê Văn Minh đề nghị nhà trường giải trình các khoản chi tiêu còn dư ra thì bà Hoà, Hiệu trưởng trả lời tỉnh bơ: “Chúng tôi làm thì chúng tôi phải có công chứ”.

Bảng thông báo của Ban Giám hiệu trường gửi các phụ huynh ghi rõ khoản thu: Tiền ăn đối với học sinh đăng ký ăn sáng tại trường (không học ngày thứ 7) là 10 nghìn đồng/tháng, tiền công phục vụ trẻ ăn 3 bữa, công trông trưa ngoài giờ 80 nghìn đồng/tháng…

Nếu tính theo mức giá trên, một lớp học có 50 em thì số tiền công (2 cô giáo dạy một lớp) được hưởng sẽ là 136 - 182 nghìn đồng/ngày, tương đương với 2,9 - 4 triệu đồng/tháng. Thế nhưng các cô giáo đứng lớp lại cho biết, họ chỉ được nhận tiền thêm giờ từ 400.000 - 550.000đồng/tháng.

Nhiều học sinh bị đánh bầm tím

Ông Vũ Như Lai, phụ huynh học sinh còn phát hiện một số vết bầm tím trên người cháu mình.

Cô Hạnh, chị Anh, bà Quang, anh Thiệu và nhiều người khác cũng kể cho chúng tôi một loạt các cháu bị cô giáo đánh như: Cháu L.V.Công, 5 tuổi bị cô lấy thẻ sách ném vào mặt tím cả mắt; cháu Nguyễn Khánh Linh bị cô đánh tím sườn; cháu bà Quang mới 2 tuổi vì khóc nhè mà bị cô tát bốp vào mặt ngay trước sự chứng kiến của phụ huynh.

Cháu Nguyễn Văn Mạnh, 4 tuổi bị cô dùng cột màn đét tím da; cháu Nguyễn Thị Ánh, 2 tuổi bị ngã rách mắt phải khâu 2 mũi; cháu Vũ Phương Thảo 3 tuổi bị cô giáo dùng chổi cọ nhà vệ sinh để cọ đít...

Chị Nguyễn Thị Hạnh, phụ huynh học sinh bức xúc: “Chúng tôi đưa các cháu đến trường học chứ đâu phải đến trại cải tạo”!

Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoà thừa nhận đúng là có chuyện các cô giáo đánh học sinh, cụ thể là cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Thị Nhung, Đỗ Thị Phượng. Các cô đã phải viết bản kiểm điểm.

Còn việc bớt khẩu phần ăn của các em, bà Hoà cho biết là “do hôm đó những người đi giao thực phẩm hàng ngày cho nhà trường đều đi vắng và không có hàng, nên các cô mới tự ý thay đổi khẩu phần ăn của các em và sẽ dồn lại ngày hôm sau” (?).

Tuy nhiên trước những chứng cứ về thu chi tài chính mà phóng viên đưa ra thì bà Hoà đã “bó tay” và tự nhận trách nhiệm của mình là: buông lỏng quản lí, thiếu kiểm tra giám sát sát sao.

"Sẽ không có chuyện bao che"

Ông Nguyễn Đăng Chỉ - Phó Chủ tịch thường trực UBND thị trấn Thổ Tang khẳng định, sau khi tiến hành xác minh ý kiến phản ánh của các phụ huynh học sinh về những vấn đề tiêu cực tại trường Mầm non Thổ Tang, ngày 13/10 đoàn kiểm tra đã phát hiện toàn bộ hệ thống sổ sách, hồ sơ tài chính của trường năm 2005-2006 không có; Người nhập thực phẩm cho các bữa ăn là thực sự không được nhập thực  phẩm trong hai tháng học hè (tháng 7 và 8) và 13 ngày đầu tháng 9.

Tiền thu học hè của các cháu ban Giám Hiệu nhà trường chỉ được hưởng 5% đúng quy định của ngành giáo dục nhưng lại hưởng tới 63% như vậy là sai... Còn việc bớt khẩu phần ăn của các cháu và đánh học sinh là hoàn toàn có thực.

Ông Chỉ khẳng định và cho biết thêm, đó mới chỉ là những kiểm tra sơ bộ nhưng trường Mầm non Thổ Tang “cái gì cũng sai” và quan điểm của UBND thị trấn Thổ Tang là xử lí nghiêm minh ban giám hiệu nhà trường, quyết không bao che. Tuy nhiên UBND thị trấn vẫn chờ chỉ đạo của Phòng GD và UBND huyện Vĩnh Tường.

Được biết, hiện tại 2 Phó hiệu trưởng trường Mầm non Thổ Tang đã bị thuyên chuyển công tác sang các trường khác là bà Lê Thị Phương Ngân và bà Bùi Thị Thanh Hương, còn bà Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoà vẫn được giữ lại trường để làm rõ những vấn đề còn lại.

PV

Theo Dân trí