Công an thời công nghệ 4.0: Tăng cường tương tác để người dân thấy hài lòng (1)

Bớt đi sự ái ngại, tăng lên sự thuận tiện cho doanh nghiệp và khách lưu trú

ANTD.VN - Đó là đúc kết ngắn gọn của Đại úy Trần Trung Kiên, Phó trưởng CAP Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội, về một trong những ưu điểm của các mô hình khai báo tạm trú và thông báo lưu trú trực tuyến, được triển khai từ tháng 2-2016 đến nay. Chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý lưu trú đối với khách nước ngoài, hay du khách đến Hà Nội, từ nhiều năm qua  đã được Đảng ủy Ban Giám đốc CATP hết sức quan tâm, chỉ đạo. 

LTS: Nhìn nhận rõ những cơ hội và cả thách thức của cuộc Cách mạng 4.0, nhiều năm qua, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo xuyên suốt toàn lực lượng Công an thành phố chủ động nắm bắt, ứng dụng và phát huy tối đa tính năng của công nghệ thông tin, để vừa đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn, vừa phục vụ nhân dân, gắn kết và tương tác hữu hiệu hơn nữa với người dân.Tinh thần, chỉ đạo đó của Ban Giám đốc Công an thành phố đã và đang được các đơn vị, địa bàn quán triệt, thực hiện nghiêm túc; được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, khen ngợi.

Bớt đi sự ái ngại, tăng lên sự thuận tiện cho doanh nghiệp và khách lưu trú ảnh 1

Lực lượng Công an hướng dẫn nhân viên cơ sở lưu trú ứng dụng và sử dụng công nghệ vào việc khai báo khách tạm trú

Giảm nghìn lần đi lại, bớt… cả vạn bước chân

Cho đến bây giờ, “Luutru.cahn.vn” đã và đang là địa chỉ website quen thuộc của cả triệu du khách đến Thủ đô. Còn với Đại úy Trần Trung Kiên, một “thợ máy tính” - như cách gọi thân thiết của cán bộ chiến sỹ Công an phường Hàng Trống, có khi dành cả ngày vẫn chưa đủ để nói về cái “được” của mô hình khai báo tạm trú - lưu trú  trực tuyến này.

Địa bàn phường Hàng Trống có khoảng 105 cơ sở lưu trú với khoảng từ 1.000 khách mới mỗi ngày, và từ 1.200 đến 1.300 khách lưu trú cũ, đa phần là người nước ngoài. Trong đó, xếp hạng cơ sở lưu trú có từ 2 sao đến 5 sao; chưa kể nhà trọ bình dân hay mô hình “homestay” cũng đang rất được chuộng, hút khách.

Theo quy định, chủ cơ sở lưu trú hàng ngày có trách nhiệm cập nhật số lượng, thông tin về khách trọ và thông báo đến chính quyền cơ sở để phục vụ công tác quản lý, đảm bảo ANTT. Đại úy Trần Trung Kiên nhớ lại, trước thời điểm tháng 2-2016, quy trình thông tin được thực hiện bằng cách, từ 21h đến 23h, nhân viên lễ tân các cơ sở lưu trú mang danh sách khách trọ đến Công an phường. Những trường hợp khách trọ sau 23h thì sáng hôm sau sẽ tiếp tục được cập nhật. 

“Như vậy, bình quân mỗi cơ sở trong ngày ít nhất phải một lần đến Công an phường để thông tin về khách trọ, 1 tháng sẽ là 30 lần và nhân từng ấy lên với hơn 100 cơ sở lưu trú, sẽ thực sự là điều bất tiện” - Đại úy Trần Trung Kiên nhìn nhận. Đó là chưa kể, sự xuất hiện, làm nhiệm vụ theo quy định của cán bộ chức năng, dù đã… phát huy tối đa nụ cười, vẫn tạo sự ái ngại nhất định với du khách nước ngoài. 

“Ở “Tây”, cảnh sát hay cán bộ công quyền chỉ xuất hiện khi cơ sở lưu trú xảy ra sự việc gì đó, và thường báo lịch trước. Còn ở ta, tất nhiên mỗi nơi có quy định, cách làm khác nhau, song việc đến kiểm tra - hướng dẫn khá thường xuyên, hay khiến khách trọ cảm thấy ngại. Họ cho rằng nhà nghỉ, khách sạn này có vấn đề nên cảnh sát mới phải đến”, anh Hòa, chủ cơ sở lưu trú số 6 phố Hàng Hành chia sẻ.

Tháng 12-2018, khi về dự hội nghị kiểm tra công tác năm 2018 tại CATP Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã gợi mở, giao nhiệm vụ với Công an Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai kênh tương tác trực tuyến giữa người dân với lực lượng Công an Thủ đô nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự… Chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng đã được CATP Hà Nội ngay sau đó đã được triển khai sâu đến cấp cơ sở, giữa Cảnh sát khu vực với các địa bàn dân cư, qua tương tác Zalo, Facebook…

Những sự ái ngại, bất tiện đã được tháo gỡ từ tháng 2-2016, khi Công an phường Hàng Trống (cùng với Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) được CATP Hà Nội chọn triển khai kế hoạch “Thí điểm hệ thống thông báo lưu trú, khai báo tạm trú trực tuyến”.

Thông qua trang điện tử “Luutru.cahn.vn”, mỗi cơ sở lưu trú trên địa bàn phường Hàng Trống nói riêng sẽ được cung cấp 2 tài khoản. Một tài khoản dành cho nhân viên lễ tân để cập nhật danh sách, thông tin khách trọ, và một tài khoản để chủ cơ sở lưu trú có thể giám sát, đôn đốc việc thực hiện. 

Thời điểm để cập nhật danh sách cũng có sự thay đổi, đó là thay vì khung giờ 21h đến 23h hàng ngày, cơ sở lưu trú có trách nhiệm cập nhật thông tin khách trọ ngay khi vừa cho thuê phòng.

Theo anh Hòa, đại diện cơ sở lưu trú số 6 phố Hàng Hành, thông qua trang điện tử “Luutru.cahn.vn”, cơ sở vừa có điều kiện để thực hiện tốt trách nhiệm của mình, giảm số lần đi lại, đặc biệt, có thêm những thông tin khuyến cáo, nhận diện, phòng ngừa thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm do cơ quan Công an cung cấp. “Ứng dụng công nghệ đã nối gần hơn khoảng cách của người dân với lực lượng Công an”, anh Hòa nhìn nhận.

Bớt đi sự ái ngại, tăng lên sự thuận tiện cho doanh nghiệp và khách lưu trú ảnh 2CAP Hàng Trống, Hà Nội cập nhật danh sách khách trọ trên địa bàn qua trang web “luutru.cahn.vn”

Không ngừng hoàn thiện, thêm những nụ cười

Mô hình đăng ký tạm trú, lưu trú trực tuyến cho người nước ngoài và khách được triển khai đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý các cơ sở lưu trú, cũng như tiện ích đối với người dân.

Quá trình vận hành, tìm hiểu thông tin, quy luật trên không gian mạng, lực lượng Công an cơ sở nắm được có nhiều trang web hướng dẫn, giao dịch các dịch vụ du lịch, nhà ở cho người nước ngoài. Tuy nhiên, thông tin về cơ sở lưu trú như địa điểm, tên chủ cơ sở… lại không được công khai trên các trang web đó; và chỉ khi nào khách hàng liên lạc để tiến hành thỏa thuận giao dịch, người chủ mới cung cấp địa chỉ và phương thức nhận phòng.

Thậm chí, có trường hợp chủ nhà đang ở nước ngoài vẫn giao dịch với khách. “Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý người nước ngoài đến lưu trú, vì nhiều trường hợp, chủ cơ sở không đăng ký kinh doanh, không đăng ký tạm trú cho khách”, Đại úy Nguyễn Thân Tân, Cảnh sát khu vực khu dân cư số 1, phường Hàng Trống, nhớ lại. 

Xuất phát từ thực tế ấy, tháng 7-2017, trên cơ sở báo cáo đề xuất của các phường, CAQ Hoàn Kiếm đã kiến nghị Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì, phối hợp với các quận, huyện xây dựng, triển khai kế hoạch lập trang Khai báo tạm trú, tách riêng nội dung liên quan đến người nước ngoài với công dân Việt Nam.

Tiêu chí, yêu cầu mới được xác định là các khách sạn, nhà nghỉ quy mô trên địa bàn TP Hà Nội sẽ đăng ký tài khoản ID để phục vụ, phối hợp quản lý cư  trú. Theo đó, các cơ sở lưu trú tự truy cập trang Khai báo tạm trú và được hệ thống cấp tài khoản khai báo, chứ không phải đăng ký bằng giấy tờ. Các cơ sở lưu trú khác (như nhà trọ, nhà dân cho người nước ngoài thuê…), cũng có thể khai báo tạm trú cho người nước ngoài.

Sự giản tiện thấy rõ các cơ sở lưu trú chỉ cần khai báo thông tin của người nước ngoài bao gồm họ tên, giới tính, ngày sinh, quốc tịch, số hộ chiếu. So với trước kia, các bước này đã đơn giản hơn rất nhiều, khi phải hoàn tất đến 15 mục thông tin bằng Phiếu khai báo tạm trú. Đó là chưa kể những lần phải đi lại lấy Phiếu khai  rồi mang nộp. Mô hình này hiện đã được đồng loạt triển khai đến các cơ sở lưu trú quy mô trên địa bàn thành phố, đặc biệt những nơi có khách nước ngoài thuê trọ dài ngày hay vãng lai. Còn tại phường Hàng Trống, như chỉ huy Công an phường cho biết, 100% cơ sở đã và đang tiến hành các bước đăng ký - khai báo lưu trú trực tuyến.

Điểm cộng ở cách thức ứng dụng công nghệ này, là các chủ cơ sở lưu trú có thể đăng ký tạm trú cho khách nước ngoài ngay tại nơi kinh doanh và vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Đồng thời, Cảnh sát khu vực có thể tiếp nhận và xác nhận thông tin đăng ký lưu trú cho người nước ngoài bằng điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối Internet mọi lúc, mọi nơi.

Anh Phong, nhân viên lễ tân một khách sạn trên phố Nhà Thờ cho biết: “Hàng ngày, khi có khách nước ngoài đến thuê phòng, chúng tôi thực hiện khai báo qua trang Khai báo tạm trú. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, đồng thời nhân viên cũng có điều kiện để thực hiện tốt trách nhiệm của mình; bất cứ khi nào khách đến thuê phòng đều có thể ngay lập tức cập nhật lên hệ thống. Tôi cho rằng nó cũng giúp cơ quan chức năng nắm bắt thông tin và quản lý địa bàn tốt hơn, hiệu quả hơn”.

Hiệu ứng tích cực khác của việc đăng ký và quản lý cư trú trực tuyến, là trách nhiệm của cơ sở kinh doanh cũng như đội ngũ thực hiện nhiệm vụ được nâng lên rõ rệt. Công an cơ sở chỉ cần truy cập hệ thống là có thể kiểm tra, nắm bắt các cơ sở khai báo lưu trú và sẽ đến kiểm tra trực tiếp nếu phát hiện nghi vấn nào đó… 

(Còn tiếp)