Xung quanh việc nhập chuột Hamster vào Việt Nam:
Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT cần vào cuộc
(ANTĐ) - Trong khi cơ quan chức năng cũng như nhiều nhà chuyên môn vẫn còn “bỡ ngỡ” trước thông tin về loài chuột Hamster thì tác hại của loài chuột này đối với con người ra sao cũng chưa ai tính đến. Để cung cấp thêm thông tin về loài Hamster, ANTĐ đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Lân Dũng (ảnh) xung quanh vấn đề này.
- PV: GS có thể phân tích một số tác hại nổi bật của loài chuột nói chung trong đó có giống Hamster đang có mặt ở Việt Nam hiện nay?
- GS Nguyễn Lân Dũng: Đặc tính của chuột là khả năng sinh sản rất nhanh, với những con có hại thì sức phá hoại của nó rất ghê gớm. Tác hại nữa từ loài chuột là việc truyền bệnh dịch hạch cho con người, đây là tác hại nguy hiểm nhất.
Tuy nhiên, với những con quý, có ích cần được bảo vệ. Song, nếu để sổng ra ngoài thì lại thành có hại.
Ví dụ con thỏ, ai cũng biết đây là loài động vật tốt, quý nhưng mà Australia đã phải đối phó với “nạn” thỏ vô cùng khó khăn, vì nếu sổng ra ngoài chúng có thể phá tan hoang nước này và biện pháp cuối cùng đã phải dùng đến vi sinh vật gây bệnh dịch cho thỏ để diệt trừ.
Bản thân những con vật đó không có hại, mấu chốt nằm ở vấn đề quản lý. Trên tinh thần đó, bất kỳ loài nào cũng vậy, kể cả loài chúng ta đã và đang lên án rất ghê như ốc bươu vàng.
Về mặt sinh học loài này rất có khả năng chuyển hóa được từ protein thực vật sang protein động vật, hiện nay có người đang nuôi ốc bươu vàng để làm thức ăn nuôi ba ba.
Như vậy, con vật nào cũng có hai mặt, không con vật nào xấu cả. Còn, đối với chuột Hamster nếu người thích nuôi thì cứ nuôi, nhưng phải có cách bảo vệ, quản lý chúng. Nếu quản lý tốt thì con gì cũng có ích.
- PV: Theo GS liệu loại chuột Hamster có mang mầm bệnh lây cho con người, nếu có thì khả năng lây là rất cao, vì người nuôi thường rất cưng loài chuột này: ôm ấp, vuốt ve..?
- GS Nguyễn Lân Dũng: Ngay chó, mèo cũng có thể lây bệnh cho người chứ không riêng gì chuột. Nếu nuôi để ngắm thì được còn ôm ấp, vuốt ve thì không nên.
Vì, chuột có thể truyền dịch bệnh (nguy hiểm nhất là dịch hạch), nhưng loài Hamster có truyền vi khuẩn dịch hạch hoặc một số bệnh từ chuột hay không thì chưa có tài liệu. Do vậy, không nên ôm ấp trực tiếp.
- PV: Với những loài động vật lạ muốn nhập vào Việt Nam, về nguyên tắc thì phải như thế nào thưa GS?
- GS Nguyễn Lân Dũng: Về nguyên tắc phải thông qua việc nhập động vật giống vào nước ta. Bất kỳ con gì muốn vào Việt Nam phải thông qua kiểm dịch động vật, thực vật, con gì được mang vào, con gì không được mang vào.
Tuy vậy, hiện nay khả năng kiểm dịch của mình rất kém, đặc biệt tại các vùng biên giới, cán bộ thú y chỉ nhìn bằng mắt thường thì làm sao mà phát hiện ra dịch bệnh trong con vật được.
Theo tôi, hiện chúng ta không đủ khả năng kiểm soát mầm bệnh, định tên vi sinh vật thì càng không đủ khả năng.
- PV: Vậy, làm thế nào để quản lý, kiểm soát, thưa GS?
- GS Nguyễn Lân Dũng: Điều này phải xác định ở hai điểm:
Thứ nhất, Bộ Y tế phải vào cuộc xem xét cụ thể để có câu trả lời con này có truyền mầm bệnh hay không, nhất là dịch hạch.
Thứ hai, nếu xác định hại thì phải tiêu hủy, còn nếu xác định không hại thì có thể cho nhập. Ngoài ra, cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT cũng cần có những quy chế để cho phép hay cấm nhập loại chuột này chứ cứ để như hiện nay, không quản lý, không kiểm soát là không ổn.
Như vậy, hai cơ quan này phải phối hợp thực hiện để có câu trả lời. Còn việc chuột đã được bán ở nhiều nơi mà cơ quan chức năng vẫn còn chưa nắm được điều đó chứng tỏ sự quản lý quá kém, quản lý hình thức, nhập về bán tràn lan rồi mà vẫn còn chưa biết.
- PV: Từ đó đặt ra, nếu hết năm Mậu Tý, người nuôi đã chán và thả ra ngoài thì tác hại như thế nào?
- GS Nguyễn Lân Dũng: Vấn đề này cần phải nghiên cứu cụ thể xem loài chuột này có khả năng sống và sinh sản được trong thiên nhiên như ốc bươu vàng hay không?
Hiện nay, các tài liệu cũng mới nói đến 3 loại chuột không có khả năng sống ngoài thiên nhiên: chuột bạch, cống trắng và co bay. Còn về loài chuột này tôi cũng chưa có thông tin gì nhiều.
Ngân Tuyền (Thực hiện)