Bộ Y tế lý giải việc học sinh không được đóng BHYT theo hộ gia đình

ANTĐ - Trước vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh, sinh viên (HSSV) tăng cao hơn cả phí tham gia BHYT theo hộ gia đình, ngày 9-9, đại diện Bộ Y tế đã lý giải vì sao không cho HSSV tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng như vì sao lại quyết định tăng mức đóng BHYT vào thời điểm này. 

*Phí tham gia BHYT có thể tiếp tục tăng

Học sinh tham gia BHYT tại nhà trường để được đảm bảo quyền lợi tốt nhất

Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã phân rõ từng nhóm đối tượng tham gia BHYT, trong đó HSSV được xếp vào một nhóm riêng, hộ gia đình là một nhóm riêng. Vì thế, dù Bộ Y tế rất khuyến khích người dân thực hiện việc tham gia BHYT theo hộ gia đình để được giảm dần mức đóng theo quy định của Luật, song không thể gộp 2 nhóm đối tượng HSSV và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình vào một được. Hơn nữa, việc HSSV bắt buộc phải tham gia theo hình thức BHYT HSSV còn nhằm đảm bảo cho các em được hưởng quyền lợi tốt nhất.

Cụ thể, theo quy định của Luật BHYT mới, HSSV được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, trong khi đó nếu tham gia BHYT hộ gia đình thì HSSV không được hỗ trợ mức đóng này. Ngoài ra, khi tham gia BHYT ở nhà trường, HSSV còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu như truyền thông các biện pháp chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh truyền nhiễm, các tật về mắt, cong vẹo cột sống, béo phì...

Trước thông tin phản ánh có tình trạng cơ quan bảo hiểm trích lại phần trăm cho nhà trường trong công tác thu BHYT, ông Lê Văn Khảm cho biết, đúng là Quỹ BHYT sẽ trích lại 7% cho các nhà trường nhưng số tiền trích lại này nhằm để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Bản thân các nhà trường, lãnh đạo nhà trường không liên quan gì tới công tác này, cũng không được trích lại “hoa hồng”. 

Về phản ánh mức thu BHYT của các nhà trường không thống nhất khiến nhiều phụ huynh học sinh bức xúc, ông Lê Văn Khảm lý giải, theo quy định mức thu BHYT của HSSV là 70% của 4,5% mức lương cơ sở, nếu trường nào không tuân thủ mức thu này thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý.

Trả lời câu hỏi tại sao lại quyết định tăng mức đóng BHYT vào thời điểm này khi mà Quỹ BHYT hiện còn kết dư tới hơn 20.000 tỷ đồng,  Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, số kết dư Quỹ BHYT nói trên là tạm thời, còn sự ổn định của quỹ BHYT không tồn tại trong thời gian dài. Bên cạnh đó, Luật BHYT cho phép việc thu BHYT có thể lên tới 6% mức lương cơ sở, trong khi hiện nay chúng ta mới chỉ đề xuất mức thu là 4,5%. Thời gian tới, nếu quỹ BHYT có nguy cơ vỡ, mức đóng BHYT sẽ được điều chỉnh tăng lên  6% mức lương cơ sở.