Bộ trưởng Tư pháp: Quy định giáo viên được bậc lương cao nhất còn vướng… quan điểm

ANTD.VN - Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐBQH Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị lý giải vì sao trong Luật Giáo dục đang được sửa đổi, có quy định về việc cho nhà giáo được hưởng bậc lương cao nhất nhưng khi thẩm định, Bộ Tư pháp lại đưa quy định này ra khỏi dự luật?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng nay, 19-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tư pháp, ĐB Ngô Thị Minh nêu, trong Luật Giáo dục đang được sửa đổi có quy định về việc lương nhà giáo được xếp theo bậc lương cao nhất và phổ cập THCS bắt buộc 9 năm. “Tờ trình của Chính phủ cũng đưa vào nhưng qua thẩm định, Bộ Tư pháp lại đưa ra, vì sao?” – bà Minh hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: “Với quy định về lương nhà giáo, quan điểm chúng tôi thống nhất giáo viên hưởng thang bảng lương cao nhất, điều này hoàn toàn phù hợp, với những lý do có đầy đủ tính thuyết phục. Tuy nhiên việc này cũng còn băn khoăn vì lại vấp phải vấn đề quan điểm” – ông Long nói.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, nguyên lý nhất quán là các vấn đề chính sách thì không quy định trong luật chuyên ngành. Việc quy định tiền lương trong Luật giáo dục thì vi phạm nguyên tắc này.

Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thành Long cũng chia sẻ, nếu đợi quy định chung về cải cách tiền lương thì lâu nên hướng giải quyết là có thể sẽ có quy định ngoại lệ đối với chế độ tiền lương cho giáo viên.

Trước đó, chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nêu, Trung ương đã có Nghị quyết 18 chỉ đạo về việc không đưa tổ chức bộ máy hành chính và biên chế vào các dự án luật chuyên ngành. “Vậy Bộ trưởng nghĩ gì về “chức năng gác cửa” của Bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ này?” – ĐB hỏi.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian vừa qua, khi Bộ rà soát lại thì đúng là có một số dự luật, văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đưa quy định về tổ chức bộ máy vào. Ví dụ như Pháp lệnh về quản lý thị trường. Rồi một số văn bản khác, bằng cách này hay cách khác cũng có đưa vào, dù không phải liên quan trực tiếp đến các nội dung như các nghị định của Chính phủ quy định.

Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Tư pháp rất rõ ràng. Bộ đã phổ biến đến toàn bộ cán bộ trực tiếp làm công tác thẩm định, như một cẩm nang, rằng trong các dự luật không phải chuyên ngành về tổ chức bộ máy mà có đưa quy định về tổ chức bộ máy vào thì phải có ý kiến ngay với Chính phủ rằng dự luật này chưa đạt.

Nhờ đó, qua theo dõi 1, 2 năm trở lại đây, Bộ chưa thấy có thêm dự luật nào không phải chuyên ngành về tổ chức bộ máy mà có đưa quy định về tổ chức bộ máy vào.

Nội dung khác được nhiều ĐB tập trung chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long là tình trạng chậm, nợ đọng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghị định hướng dẫn hay chất lượng trình dự án luật.

ĐB Trương Minh Hoàng, ĐBQH tỉnh Cà Mau nêu, thời gian vừa qua có nhiều dự luật đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội rồi nhưng sau đó lại đưa ra khỏi chương trình do không chuẩn bị kịp hoặc chưa đảm bảo chất lượng. “Trách nhiệm thuộc về ai? Bộ kiến nghị như thế nào với Quốc hội?” – ĐB hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, thời gian vừa qua công tác xây dựng luật để trình dự luật ra Quốc hội của Chính phủ đã đạt được bước tiến đáng kể. Dù số dự án luật còn chậm hoặc phải rút, xin đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật của Quốc hội vẫn còn, song số lượng đã giảm đi.

Cụ thể, năm 2016, số dự án rút khỏi chương trình làm luật của Quốc hội là 11, sáng 2017 còn 3 và 2018 chỉ còn 1. Năm 2018, số lượng dự án trình bổ sung rất lớn, lên đến 10 dự án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ ra, nguyên nhân của tồn tại trên là do khi lập đề án xây dựng dự án luật thì các cơ quan soạn thảo chưa dự trù được hết nội dung, thời gian, trong đó cũng có các khách quan do phải rà soát lại, thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trung ương.

Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định chặt chẽ hơn, đòi hòi các đánh giá báo cáo tác động của dự án luật phải có chất lượng cao hơn. Ngoài ra có nguyên nhân chủ quan do lãnh đạo các bộ ngành chưa thật chú trọng công tác này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiến nghị các cơ quan khi xây dựng đề án để đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội cần phải tập trung, rà soát đánh giá đầy đủ, xác định đây là công việc ưu tiên. Cùng đó, cần nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, chất lượng xây dựng dự án luật.

Với câu hỏi của các ĐB về tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện đúng là có tình trạng như vậy.

“Chúng tôi cùng với Văn phòng Chính phủ đã rà đi rà lại thì đến bây giờ thấy phát sinh 12 văn bản chậm, đây là các văn bản mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nợ chưa ban hành quy định chi tiết các Luật có hiệu lực từ 1-1-2018” – ông Long nói.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, nguyên nhân do số lượng các văn bản, nghị định hướng dẫn chi tiết cần ban hành rất lớn, có những nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết khá phức tạp…

Một trong những giải pháp mà Bộ Tư pháp đang tập trung triển khai để khắc phục tồn tại trên là thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chính sách, trong đó đánh giá xác định xem các nội dung nào cần quy định chi tiết để giảm số lượng các nội dung cần ban hành văn bản, quy định chi tiết.