Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Khaisilk có dấu hiệu vi phạm cả luật pháp lẫn đạo đức doanh nghiệp

ANTD.VN -Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, 27-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, 2 Cục của Bộ này đang phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tiến hành xác minh, làm rõ các hoạt động vi phạm của tập đoàn Khaisilk.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

-PV: Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vụ việc tập đoàn Khaisilk nhập khăn lụa Trung Quốc về cắt mác rồi gắn mác của mình vào để bán?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chính phủ luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng các hoạt động đó phải tuân thủ pháp luật, đặc biệt các nội dung liên quan đến pháp luật bảo vệ lợi ích, quyền lợi người tiêu dùng. Đó là nguyên tắc cơ bản mà các doanh nghiệp đều phải thực hiện.

Những hoạt động của doanh nghiệp ngoài yêu cầu của luật pháp thì phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Qua hành vi vừa rồi mà báo chí phản ánh và hoạt động về kinh tế, thương mại của doanh nghiệp Khaisilk thì có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như là nền tảng đạo đức doanh nghiệp.

Tất nhiên, đạo đức doanh nghiệp phạm trù không cụ thể nhưng có những nền tảng rất cơ bản là sự tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, trung thực trong hoạt động kinh doanh, sản xuất.

-Vậy với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Công Thương sẽ vào cuộc như thế nào trong vụ việc đang được dư luận rất quan tâm này?

Các cơ quan quản lý, chức năng của Cục quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và của Sở Công Thương Hà Nội đang tiến hành xác minh, làm rõ đối với các hoạt động vi phạm của doanh nghiệp.

Chắc chắn, các cơ quan chức năng sẽ có những báo cáo sớm, kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài những điều chỉnh chế tài pháp luật thì ý thức về giá trị đạo đức, văn hóa của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Các doanh nghiệp phải nhận thức, hiểu rõ điều đó là mang tính sống còn với hoạt động của doanh nghiệp mình.

-Một thương hiệu như Khaisilk có hành vi gian lận thương mại như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào với thương hiệu của Quốc gia?

Thương hiệu Quốc gia có phạm trù tương đối rộng và trên nền tảng của các thương hiệu của các ngành kinh tế, doanh nghiệp, sản phẩm, thậm chí là địa phương.

Giá trị thương hiệu Quốc gia cũng phải xây dựng dựa trên nền tảng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thị trường, chỉ người tiêu dùng mới quyết định được những sự phát triển của doanh nghiệp, các sản phẩm, ngành hàng cũng như của các giá trị thương hiệu.

Sự việc của Khaisilk chưa có kết luận cụ thể xem mức độ vi phạm đến đâu, vi phạm những nội dung gì nên chưa thể nói ngay là sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những giá trị thương hiệu của sản phẩm cũng như thương hiệu Việt.

Nhưng sơ bộ như báo chí phản ánh doanh nghiệp có hành vi lừa dối người tiêu dùng bằng cách là sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm. Đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng.

Đồng thời, nó cũng làm tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt, trong đó có chính doanh nghiệp Khaisilk. Quan trọng hơn nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam chúng ta. 

-Xin cảm ơn Bộ trưởng!