Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Formosa cam kết chuyển 250 triệu USD tiền bồi thường ban đầu

ANTĐ - Ngày 29-7, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đã chia sẻ nhiều thông tin, giải pháp quanh sự cố môi trường do Formosa gây ra, trong đó ông cho biết doanh nghiệp này đã cam kết chuyển số tiền ban đầu là 250 triệu USD (trong tổng số tiền phải bồi thường là 500 triệu USD).

Vi phạm của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) gây thiệt hại nặng nề tới môi trường biển, đời sống nhân dân, kinh tế biển các tỉnh ven biển miền Trung, trở thành đề tài nóng được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mổ xẻ trong phần thảo luận tại hội trường trong phiên họp ngày 29-7.

Phát biểu thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà nói: "Tôi xin cảm ơn các ĐBQH, nhân dân cả nước đã dành sự chú ý, ủng hộ cho việc truy tìm nguyên nhân sự cố trong vụ Formosa. Sự chia sẻ này giúp chúng tôi làm tốt những công việc ban đầu".

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngày 28-7-2016, Formosa đã cam kết chuyển số tiền ban đầu là 250 triệu USD (trong tổng số tiền phải bồi thường là 500 triệu USD).

Báo cáo một số công việc cụ thể mà Bộ Tài nguyên – Môi trường đang khẩn trương triển khai, ông Trần Hồng Hà cho biết: "Chúng tôi đang tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm hành chính của Formosa. Kế hoạch toàn diện để khắc phục vi phạm của Formosa, từ chuyển đổi công nghệ, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải; triển khai hệ thống ứng phó sự cố môi trường, hệ thống quan trắc trực tuyến để giám sát tất cả các chỉ tiêu có liên quan gây ô nhiễm môi trường".

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngay khi có sự cố, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, vấn đề hệ sinh thái môi trường biển. "Quá trình đánh giá được tiến hành bài bản, khoa học và bước đầu có thông tin về chất lượng môi trường. Dự kiến ngày 15-8 tới sẽ thông qua các hội đồng, với sự tham gia của các nhà khoa học, để đánh giá, đưa ra các phương pháp khắc phục", người đứng đầu Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết thêm.

Sự cố do Formosa gây ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đời sống, kinh tế người dân ven biển miền Trung

Ông Trần Hồng Hà cho rằng qua sự cố Formosa đặt ra đối với công tác quản lý môi trường, đặc biệt liên quan tới quy chuẩn, đánh giá tác động môi trường, các công trình giám sát chuyên đề cũng như công tác thanh tra, kiểm tra.

Nói về vấn đề tài nguyên môi trường hiện nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết tình hình môi trường xuống cấp, sự cố môi trường có nơi có lúc diễn ra nghiêm trọng: "Tình hình này cũng đã diễn ra nhiều nơi trên thế giới, họ đã đi trước và để lại cho chúng ta bài học. Vấn đề là chúng ta phải làm gì để khắc phục yếu điểm đó và làm tốt hơn nữa trong tương lai".

Đề cập tới các giải pháp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phải rà soát toàn diện từ chủ trương đến chính sách đến pháp luật và các điều kiện để tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, minh bạch, vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Tăng cường nguồn lực hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường, đảm bảo thực thi tốt nhất hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật đã ban hành.

Để đáp ứng yêu cầu của nhiều ĐBQH, vấn đề môi trường đang đặt ra với đất nước cũng như trong bối cảnh hội nhập sâu với thế giới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề ra các việc làm cấp bách:

Thứ nhất, Việt Nam có khá đồng bộ chủ trương, chính sách liên quan trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và đã xác lập các quan điểm trước mắt cũng như lâu dài. Trên cơ sở đó, Chính phủ cần  xác lập các tiêu chí ưu tiên của các dự án, đề cao tiêu chí môi trường, an toàn môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng sạch. 

Thứ hai, Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ làm ngay, khẩn trương những việc sau: “Một là, rà soát, đề nghị nâng cao tiêu chuẩn môi trường Việt Nam lên ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Hai là, rà soát các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm nặng trên phạm vi cả nước. Hiện nay Bộ đã tiến hành thanh tra chuyên đề các cơ sở có nguồn thải từ 200m3/ngày đêm trở lên, thanh tra toàn diện từ chủ trương đầu tư cho đến tác động môi trường, hậu kiểm, việc quản lý của Nhà nước và chấp hành của doanh nghiệp. Dự kiến đến tháng 9 sẽ kết thúc thanh tra giai đoạn 1.

Ba là, tích cực cải cách hành chính, xây dựng bộ máy quản lý các cấp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp hiệu quả, được người dân và doanh nghiệp tin cậy. Bốn là, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý tài nguyên môi trường, hoàn thiện hệ thống quan sát môi trường trên phạm vi toàn quốc theo hướng sử dụng công nghệ quan sát tự động, kết nối thông tin qua mạng. Năm là, hội nhập sâu rộng với thế giới, cùng tham gia xây dựng các thiết chế liên quan tới tài nguyên".