Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Chi không ngừng tăng, tài chính công đối mặt rủi ro

ANTD.VN - Nhu cầu chi ngân sách đang không ngừng tăng, vượt qua khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn. Cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, trong khi tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao thì chi đầu tư phát triển giảm.

Đây là những khó khăn mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ra tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017 với chủ đề “Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững” vừa được Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng nay 21-9 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nền tài chính công cũng đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro. Thứ nhất là quy mô ngân sách so với GDP giảm nhanh, cơ cấu thu chưa hợp lý, giai đoạn 2006 - 2010 thu ngân sách là 26,3% GDP (trong đó số thu từ thuế, phí là 22,6% GDP) và giai đoạn 2011 - 2015 thu ngân sách là 23,6% GDP (trong đó thu từ thuế, phí là 20,8% GDP).

Thứ hai, nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt quá khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn, bội chi cao; tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao, chi đầu tư phát triển giảm.

Thứ ba, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả.

Trong khi đó, mở cửa, hội nhập sâu rộng nền kinh tế, tham gia vào cùng sân chơi với các nước đi trước, với môi trường cạnh tranh khốc liệt và có xu hướng gia tăng thời gian tới đòi hỏi công cụ tài chính – ngân sách phải đủ mạnh để thực hiện hiệu quả vai trò định hướng, điều tiết, phân phối và hỗ trợ nền kinh tế…

Ngân sách đang bội chi, mất cân đối (Ảnh minh họa)

Minh chứng cho mất cân đối chi ngân sách, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) Nguyễn Thành Long đưa ra con số thống kê, chi ngân sách năm 2016 đã tăng tới 10 lần so với năm 2001 về giá trị tuyệt đối. Điều đáng bận tâm hơn là trong khi tỷ lệ chi đầu tư phát triển giảm từ hơn 31% năm 2011 xuống 13,2% năm 2016 thì chi thường xuyên lại có xu hướng ngược lại (từ 55,16% tổng chi năm 2001 lên 65,75% tổng chi năm 2016).

Đây cũng là vấn đề được Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính Trương Bá Tuấn nhắc tới như là một trong những rủi ro của ngân sách hiện tại. Xu hướng tăng chi thường xuyên theo ông sẽ tạo sức ép lên ngân sách thời gian tới khi Nhà nước tiếp tục phải cải cách tiền lương, đẩy mạnh an sinh xã hội, tăng chi cho cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn lo lắng việc tăng tỷ lệ chi thường xuyên cho một số lĩnh vực nhưng sản phẩm cuối cùng chưa được tương xứng. “Chi thường xuyên của ta hiện nay tỷ trọng thì cao nhưng chưa dành cho mục tiêu nhiệm vụ chiến lược như phát triển nhân lực chất lượng cao hay thúc đẩy kinh tế xanh”- ông Tuấn nói.