Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích thuật ngữ "giá dịch vụ đào tạo"

ANTD.VN - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có giải thích về việc đề xuất đổi thuật ngữ "học phí" thành “giá dịch vụ đào tạo” tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, học phí là khái niệm nghe quen tai, khi đào tạo chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình, chính vì thế phải tính đến chi phí dịch vụ theo Luật Giá.

Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định việc sửa đổi chuyển quy định về học phí sang quy định về giá dịch vụ đào tạo không phải là việc đổi tên giống như “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” mà là thực hiện theo Luật. Nghĩa là “học phí” có nội hàm khác, còn “giá dịch vụ đào tạo” có nội hàm khác và đây là hai vấn đề khác nhau.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải thích về việc dùng thuật ngữ "giá dịch vụ đào tạo" thay cho "học phí" trong dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét

"Tên học phí quen tai truyền thống, nó có nội hàm khác và không phải là tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo. Trong thực tế nếu dựa vào học phí thì còn thiếu rất nhiều các khoản thu hợp pháp để phát triển nhà trường. Giá dịch vụ đào tạo và học phí là 2 vấn đề, không phải là một", Bộ trưởng GD-ĐT cho biết.

Việc sửa đổi chuyển quy định từ học phí sang giá dịch vụ đào tạo, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì đây không phải là tên gọi khác, xét về mặt nội hàm là tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo Luật Giá, Luật Phí. Còn vấn đề cấu thành toàn bộ chi phí với việc tên gọi thế nào cho phù hợp vẫn đang bàn.

"Trước hết phải theo Luật, cần vận dụng cho phù hợp với thực tiễn, vừa đảm bảo không sai Luật đồng thời phù hợp với đặc điểm của ngành", người đứng đầu Bộ GD-ĐT nói.

Trước đó vào phiên họp sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong dự thảo luật có sửa đổi để chuyển quy định về học phí sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo.

Tuy nhiên theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đa số ý kiến không nhất trí việc thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo" như thể hiện trong dự thảo luật. 

"Việc sử dụng khái niệm học phí (cũng đã được quy định trong dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục", báo cáo thẩm tra lưu ý và đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm "học phí" như quy định trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.