Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói giải quyết vấn đề BOT vì "lợi ích người dân", đại biểu Quốc hội không thấy vậy

ANTD.VN - Phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể tại Quốc hội sáng nay, 4-6 nóng lên với các câu hỏi về BOT, phí BOT. Bộ trưởng khẳng định quan điểm giải quyết BOT là "đứng trên lợi ích của dân" nhưng nhiều ĐBQH ngay lập tức chỉ ra "vì lợi ích của dân, sao 6 dự án dân không đi cũng phải trả tiền"...

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 4-6

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng GTVT làm rõ sự chênh lệch giữa số năm thu phí giao thông giữa dự toán được phê duyệt với kết quả kiểm toán và báo chí phản ánh về BOT. Bộ trưởng làm rõ việc thu phí BOT thực hiện trên cơ sở mở rộng nâng cấp đường quốc lộ 1 sắp tới sẽ được khắc phục như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, BOT là vấn đề cả xã hội đang rất quan tâm.

Thực hiện theo Luật và theo nghị định của Chính phủ, giai đoạn vừa qua, Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT và để đảm bảo tính công khai, minh bạch thì Bộ GTVT trong quá trình thực hiện các dự án BOT đã chủ động kiến nghị kiểm toán nhà nước vào cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán.

Trong số 56 dự án BOT thì đến thời điểm này Kiểm toán nhà nước đã tham gia kiểm toán được 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, theo hợp đồng, để đảm bảo quyền lợi của người dân, nhà nước, nhà đầu tư, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có một điều khoản là giá trị sau quyết toán làm căn cứ để Bộ GTVT điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí.

“Do đó, việc Kiểm toán nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn giữa giá trị kiểm toán và giá trị của các dự án BOT là điều hiển nhiên. Với những dự án triển khai nhanh, ít chênh lệch giá, ít phát sinh khối lượng, những dự phần này là phần chênh lệch số năm mà kiểm toán đã chỉ ra” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Cũng theo Bộ trưởng GTVT, qua số liệu mà Bộ này đang so sánh, số liệu kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và số liệu quyết toán của Bộ GTVT luôn tương đồng với nhau, đặc biệt số liệu quyết toán của Bộ GTVT tại nhiều dự án thấp hơn cả số liệu của Kiểm toán nhà nước. 

Riêng về việc thu phí BOT, người đứng đầu ngành GTVT nêu rõ, Bộ đứng trên quan điểm là bảo vệ lợi ích của người dân. Thế nên thời gian qua, khi mặt bằng giá tăng cao, Bộ GTVT đã hiệp thương với các nhà đầu tư, rà soát và giảm toàn bộ 56/56 dự án BOT. Có những dự án giảm giá đến 2, 3 lần, từ 35.000 đồng/lượt/xe con, thậm chí hiện nay một số trạm chỉ còn thu có 15.000 đồng.

“Chúng tôi hoàn toàn đứng trên quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân để điều chỉnh mức phí, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân. Căn cứ tính phí, giảm phí là căn cứ vào lưu lượng xe đi qua các trạm và khả năng hoàn vốn của các dự án để điều chỉnh” – ông Thể nhấn mạnh.

ĐB Hoàng Quang Hàm: "Bộ trưởng nói giải quyết BOT đứng trên lợi ích người dân, tôi không thấy thế"

Đăng ký tranh luận với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng: “Bộ trưởng nói giải quyết vấn đề BOT đứng trên lợi ích của người dân. Tôi thì tôi không thấy thế”.

Lý do, ĐB Hoàng Quang Hàm chỉ ra, có 17 dự án BOT đặt sai vị trí, 6 dự án dân không đi cũng phải trả tiền... “Báo cáo và giải pháp mà Bộ trưởng nêu thì cứ dân chịu thì thu, không chịu thì dừng, rồi dân chịu lại thu. Như thế vì lợi ích của dân chưa, sao dân không đi phải trả tiền?” – ĐB đoàn Phú Thọ chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, có dự án lịch sử để lại, khi chuyển về Bộ thì Bộ GTVT tiếp nhận.

“Ví dụ như trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài đã báo cáo Chính phủ. Năm 2014, Chính phủ có văn bản chỉ đạo tiếp tục thu phí. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo. Còn với dự án trước đây đưa vào có sự tham gia của chính quyền địa phương và Bộ ngành và các bên liên quan cho rằng trạm thu chỗ đó là hợp lý. Hiện nay nếu di dời thì phải tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để có khoản kinh phí với hợp đồng của nhà đầu tư BOT” – Bộ trưởng GTVT nói.

Các dự án đều thực hiện đúng theo trình tự thủ tục, có sự thống nhất của các bộ ngành và địa phương. “Hiện ngân sách khó khăn. Khi Quốc hội biểu quyết cân đối nguồn vốn thì chúng tôi sẵn sàng mua lại dự án này. Mong xã hội và người dân thông cảm. Còn chúng tôi cố gắng miễn, giảm phí cho người dân, nhất là người dân sống ở khu vực gần trạm” – Bộ trưởng Thể nói.

Không đồng tình, ĐB Hoàng Quang Hàm tranh luận lại: “Như Bộ trưởng nói mới thấy “vấn đề lịch sử”, nhưng trước đây khi làm dự án có hỏi ý kiến người dân không? Thương thảo để giảm lãi suất chưa? Giờ vỡ ra người dân phải chịu là chưa thoả đáng”…

Tương tự, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng đề cập đến những tồn tại của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức PPP, BOT và cho rằng, quá trình thực hiện các dự án này thời gian qua có nhiều sai phạm do lợi dụng chính sách sơ hở, cũng như chưa giải quyết hài hòa lợi ích của ba bên (nhà đầu tư nhà nước và người dân), còn tình trạng “ăn đong”.

Trả lời ý kiến của ĐB Nhưỡng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đúng là giai đoạn vừa qua việc triển khai các công trình BOT, PPP có việc do thể chế pháp luật của nước ta chưa hoàn chỉnh. Các sai phạm trong thực hiện BOT đã được các cơ quan chức năng chỉ ra và đang khắc phục.

“Việc lợi dụng chủ trương, chính sách sơ hở để làm sai thì các ngành chức năng sẽ vào cuộc xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức sai phạm. Còn trong Bộ GTVT, chúng tôi yêu cầu thực hiện nghiêm tạo thuận lợi cho người dân, nếu mắc sai phạm chúng tôi xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, đồng thời cho biết, hiện Bộ đang tập trung vào các xem xét, xử lý với dự án BOT có dư luận phản ánh.