Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mời nhân dân cả nước đi du lịch nội địa

ANTD.VN -Báo cáo trước Quốc hội về tình hình phục hồi du lịch sau dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, cạnh tranh khách quốc tế sau dịch sẽ rất khốc liệt. Bộ trưởng cũng mời nhân dân đi du lịch trong nước.

Cạnh tranh sau dịch rất khốc liệt

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Sau khi Thủ tướng đồng ý nới lỏng giãn cách xã hội, các hoạt động bắt đầu phục hồi dần.

Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh từng bước mở cửa. Vịnh Hạ Long đã đón 131.000 lượt khách, Tràng An 76.000 lượt khách (trong đó có 1.900 khách quốc tế sinh sống tại Việt Nam), Huế đón 22.900 lượt khách, trong đó có 900 khách quốc tế…).

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện

Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng, các rạp chiếu phim đã mở cửa, nhưng lượng ghế lấp đầy chỉ khoảng 25%. Các nhà hát đỏ đèn đón khán giả trở lại, hoạt động thể dục thể thao bắt đầu hoạt động như giải vô địch bóng đá quốc gia.

Với ngành du lịch, các giải pháp kích cầu du lịch nội địa đã phát huy tác dụng. Các điểm đến từng bước được mở cửa và đón khách trở lại. "Không có lý do gì mà người Việt Nam không đi du lịch Việt Nam. Tôi kính mời nhân dân đi du lịch trong nước", ông nói.

Về giải pháp phục hồi du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trước mắt sẽ tiếp tục đẩy mạnh kích cầu du kịch nội địa coi đây là điểm tựa, bà đỡ để phục hồi du lịch nước nhà. Hiện ngành du lịch Việt Nam đã chuẩn bị tốt nhất để phục vụ nhân dân cả nước đi du lịch.

Tiếp theo đó, sẽ phục hồi phát triển du lịch toàn diện, xem xét từng bước mở cửa cho khách quốc tế, nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố an toàn lên trên hết. Ngoài ra, sau dịch, việc cạnh tranh khách quốc tế giữa các quốc gia sẽ rất khốc liệt. Do đó, Việt Nam phải tận dụng lợi thế của mình

Cuộc sống ở Việt Nam hiện là niềm mơ ước của nhiều người

Về tình hình dịch Covid-19,  trong phiên thảo luận chiều 13/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết,Việt Nam có 330 ca nhiễm, chưa có ca nào tử vong, chỉ còn 10 ca đang điều trị, qua 58 ngày không ca nào lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong khi đó trên thế giới hiện có 7,7 triệu người mắc, 428.000 người tử vong. Việt Nam đứng thứ 155 quốc gia vùng lãnh thổ về số ca nhiễm Covid-19. Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều người.

Ngay từ ban đầu khi dịch bệnh mới nhen nhúm, Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế lên kế hoạch chống dịch căn cơ, bài bản. Việt Nam là nước đưa ra giải pháp sớm hơn 1 bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.

Khi WHO đánh giá dịch “lây nhiễm hạn chế” thì Việt Nam đưa lên “lây nhiễm”. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên áp dụng khai báo bắt buộc đối với người nhập cảnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

“Nhiều giải pháp ta làm ban đầu bạn bè quốc tế có người nghi ngờ, có người tranh luận nhưng sau đều đánh giá giải pháp của Việt Nam rất đúng, rất sớm, rất cương quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất, vì chi phí chữa bệnh của ta rất thấp”, Phó Thủ tướng nói.

Trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt ngành Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả người dân và các lực lượng. Không chỉ hàng ngàn thầy thuốc không có đêm, không có ngày, mà còn có những người lội rừng chống dịch, có người xa vợ mới cưới, xa con mới sinh.

Ngoài ra, còn có hàng nghìn chiến sĩ nằm rừng canh lối mòn, nhường giường cho người dân từ mùa đông gió rét đến hôm nóng không ngủ được dọc tuyến biên giới, bao nhiêu cụ già, trẻ em mang rau, gạo, bỏ tiền tiết kiệm gửi quỹ chống dịch; còn hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp dù rất khó khăn nhưng không sa thải nhân viên, cố trả lương dù không có doanh thu hoặc giảm doanh thu; nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, kinh phí chống dịch...