Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhà nước chia sẻ rủi ro chứ không phải bảo lãnh các dự án PPP

ANTD.VN - “Với các dự án PPP, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho nhà nước, nên phải có cơ chế chia sẻ rủi ro này với các nhà đầu tư” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội

Ngày 19-11, phát biểu giải trình và làm rõ hơn một số nội dung ĐBQH góp ý về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thể chế hóa hóa bằng các quy định của pháp luật đối với phương thức đầu tư PPP là hết sức cần thiết để huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước.

Theo Bộ trưởng, ở dự án PPP có đặc thù là kết hợp công - tư. Điều này đòi hỏi phải có một thể chế hết sức chặt chẽ, minh bạch, đảm bảo hài hòa được giữa quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đảm bảo tính ổn định trong suốt vòng đời của dự án.

Về các nội dung cụ thể, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất là các dự án có quy mô lớn sẽ thực hiện theo hình thức PPP, những dự án có quy mô nhỏ, đơn giản thì một là thực hiện bằng ngân sách nhà nước, hai là thực hiện theo phương thức đầu tư của tư nhân theo Luật Đầu tư.

Theo đó, quy mô vốn đầu tư của các dự án PPP được quy định ở mức tối thiểu 200 tỷ đồng. “Với những trường hợp dự án có quy mô nhỏ, thấp hơn nữa, chúng ta phải sử dụng bằng ngân sách nhà nước hoặc thu hút nguồn vốn xã hội hóa và đầu tư tư nhân theo Luật Đầu tư như tôi đã báo cáo. PPP sẽ tập trung nguồn lực để phục vụ cho một số dự án hạ tầng lớn” – ông Dũng nói.

Liên quan đến việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, dự án PPP là một dự án khó, phức tạp nên cấp quyết định ký hợp đồng phải là cấp có thẩm quyền và cần quy định tập trung, không làm tràn lan và phân cấp rộng.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng lý giải về vấn đề chia sẻ rủi ro với các dự án PPP. “Chúng tôi thấy cơ chế nhằm chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư khi đầu tư các dự án công phải xác định thuộc trách nhiệm nhà nước. Nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho nhà nước, nên phải có cơ chế chia sẻ rủi ro này với các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư mới yên tâm để tham gia đầu tư với chúng ta” – ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Dũng, cơ chế chia sẻ rủi ro nói trên không phải cơ chế bảo lãnh. Việc này cũng không áp dụng tràn lan, chỉ số ít dự án đặc biệt quan trọng và khi mà nhà nước không thể điều chỉnh thời hạn dự án thì mới thực hiện.

Ngoài ra, nói về việc các dự án đầu tư theo hình thức BT thời gian qua bị biến tướng, nhiều vấn đề phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đúng là có biến tướng nhưng rất nhiều địa phương hiện nay phản ánh, ngoài đất đai ra thì họ không có một nguồn lực nào khác để có thể tham gia đối ứng với các công trình của mình.

“Do vậy, Chính phủ xin kiến nghị cho phép giữ hình thức BT này, nhưng cần phải quy định chặt chẽ, đồng bộ để đảm bảo không thất thoát, lãng phí” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.