Bộ trưởng né tránh trả lời các vấn đề "nóng" sẽ bị… "soi" mức độ tín nhiệm

ANTD.VN - Theo một số ĐBQH, tại phiên chất vấn trước Quốc hội bắt đầu vào ngày mai, 4-6, nếu Bộ trưởng nào cố tình trả lời vòng vo, né tránh các vấn đề "nóng", bức xúc của ngành thì sẽ phải xem xét lại trách nhiệm, đồng thời sẽ bị ĐBQH và cử tri "soi" mức độ tín nhiệm.

Trước phiên chất vấn của Quốc hội bắt đầu vào ngày mai, 4-6, các ĐBQH cho rằng, cả 4 vấn đề được lựa chọn để chất vấn đều “rất nóng”, tồn tại rất nhiều bức xúc, điển hình như câu chuyện “giá BOT”, “học giá”, đất đai… và các Bộ trưởng có trách nhiệm cần giải trình rõ.

ĐB Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị):

Phải làm rõ "phí" và "giá", không thể lẫn lộn được

"Về câu chuyện dự án BOT, không riêng tôi mà cả người dân và cơ quan quản lý, cái quan tâm nhất là sự minh bạch. Phải minh bạch từ khâu lập dự án đến khâu tổ chức thực hiện, vận hành dự án, và làm BOT phải đảm bảo hài hòa quyền lợi của cả 3 bên (lợi ích của nhà nước, người dân và lợi ích của nhà đầu tư) và phải có sự giám sát của cộng đồng, người dân.

Quay lại câu chuyện tại sao lại có phí? Lâu nay, chúng ta đã quen sử dụng những từ như học phí, viện phí và đã được thể hiện trong văn bản pháp luật. Trước đây, Nhà nước bao cấp toàn bộ, đầu tư cho bệnh viện, trường học, đường sá nhưng chỉ thu lại một phần chi phí qua các loại phí. Thực chất đây là chi phí để sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, dịch vụ đường bộ...

Hiện nay, chúng ta đã chuyển đổi sang kinh tế thị trường, trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, cần phải huy động các nguồn lực cho phát triển, trong đó có phát triển kết cấu hạ tầng. Nhà đầu tư bỏ vốn ra làm công trình giao thông nên họ phải tính đủ chi phí để thu lại vốn, đó là giá sử dụng dịch vụ đường bộ, nên mới gọi là “giá BOT”.

Tuy nhiên, suy đến cùng thì công trình này vẫn là tài sản công. Do vậy, chúng ta phải quản lý chặt và phải minh bạch. Vì sao chuyển từ phí BOT sang giá BOT, tại phiên chất vấn này, các Bộ trưởng chắc chắn phải làm rõ để cử tri hiểu. Làm rõ ra việc này cũng là để minh bạch trong quản lý, bởi giá là giá, phí là phí, 2 lĩnh vực này không thể lẫn lộn với nhau được.

Tôi cho rằng, cách các Bộ trưởng trả lời chất vấn của ĐBQH như thế nào thể hiện trách nhiệm và năng lực của các Bộ trưởng. Song chắc chắn các Bộ trưởng phải có trách nhiệm trả lời thẳng thắn, rõ ràng vì ĐBQH đại diện cho cử tri, mà với những bức xúc của cử tri thông qua ĐBQH để chất vấn, nếu Bộ trưởng nào né tránh, không trả lời rõ thì phải xem lại trách nhiệm của Bộ trưởng".

ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình):

Sẽ "soi" mức độ tín nhiệm của các Bộ trưởng qua chất vấn

Bộ trưởng né tránh trả lời các vấn đề "nóng" sẽ bị… "soi" mức độ tín nhiệm ảnh 2

"Việc lựa chọn các nhóm vấn đề để chất vấn tại kỳ họp này cũng như 4 Bộ trưởng được lựa chọn để đăng đàn trả lời chất vấn chính trước Quốc hội là hoàn toàn công khai, minh bạch, phù hợp với mong muốn của cử tri, không hề có sự né tránh với các vấn đề “nóng” hay nhạy cảm.

Về phía các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng không thể “né” trả lời các vấn đề nóng, nhạy cảm, các vấn đề mà cử tri bức xúc về ngành mình được, bởi vì nhóm nội dung chất vấn đã được công khai, có quy trình thủ tục lựa chọn rồi.

Mặt khác, các phiên chất vấn của Quốc hội hiện nay đều được truyền hình trực tiếp để cử tri, toàn dân theo dõi nên qua việc trả lời chất vấn trước Quốc hội sẽ thể hiện bản lĩnh, hình ảnh của chính các Bộ trưởng đăng đàn.

Qua những phiên chất vấn ở các kỳ họp trước, có cử tri rất tâm huyết gửi cho tôi bản đánh giá viết tay tới 30 trang, đánh giá từng Bộ trưởng, từ phong thái trả lời, vấn đề trả lời…

Cách thức tổ chức chất vấn hiện cũng được cải tiến rất nhiều. Không phải chỉ 4 Bộ trưởng được lựa chọn trả lời chất vấn chính trước Quốc hội mới đăng đàn mà với các câu hỏi có liên quan, rất nhiều vị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ khác cũng sẽ phải phối hợp cùng trả lời, “chia lửa” với Bộ trưởng trả lời chất vấn chính. Đây cũng là những đối tượng để cử tri, ĐBQH đánh giá mức độ tín nhiệm".

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng):

Tình trạng bạo hành trẻ em ở trường mầm non phải được làm rõ

Bộ trưởng né tránh trả lời các vấn đề "nóng" sẽ bị… "soi" mức độ tín nhiệm ảnh 3

"Trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tới đây, tôi quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong đó, đáng lưu ý là nạn bạo hành trẻ em, nhất là trẻ em mầm non xảy ra trong thời gian qua. Bộ trưởng cần phải nêu được các biện pháp, giải pháp ngăn chặn, chấm dứt, xử lý nghiêm tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em.

Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến vấn đề lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, đa phần người xuất khẩu lao động là lao động phổ thông, thu nhập thấp, mặc dù có phần nào cải thiện cuộc sống gia đình nhưng còn bấp bênh.

Đặc biệt, có những tổ chức đưa người đi lao động ở nước ngoài nhưng thực hiện không đúng quy định, “mang con bỏ chợ”, làm ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người lao động… Đây cũng là vấn đề tôi chờ đợi Bộ LĐ-TB&XH sẽ đưa ra được giải pháp để quản lý hiệu quả".

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An):

Bộ trưởng cần đưa ra được giải pháp quản lý chặt đất đai

Bộ trưởng né tránh trả lời các vấn đề "nóng" sẽ bị… "soi" mức độ tín nhiệm ảnh 4

"Bốn nhóm nội dung chất vấn với 4 Bộ trưởng gồm Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đều là những vấn đề mà trong thực tiễn hiện nay đang “rất nóng”, được cử tri rất quan tâm.

Cá nhân tôi quan tâm nhiều nhất và dự kiến sẽ chất vấn với Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà về những tồn tại trong lĩnh vực đất đai. Đất đai là một tài sản vô giá của nhà nước nhưng hiện đang có tình trạng thất thoát khá lớn do khâu quản lý còn nhiều hạn chế. Tôi mong muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ đưa ra được các giải pháp quản lý đất đai chặt chẽ hơn".