Bộ trưởng Giáo dục: "Đạo đức giáo viên xuống cấp là thiếu sót lớn của ngành"

ANTD.VN - Trả lời chất vấn trước Quốc hội về tình trạng đạo đức xuống cấp ở một số giáo viên, Bộ trưởng Giáo dục đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ thừa nhận "đây là thiếu sót lớn", "có trách nhiệm của ngành".

Thời gian qua ngành giáo dục để ra nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận như cô giáo không chịu giảng bài, phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng, học sinh đâm thầy trọng thương… 

“Xảy ra nhiều trường hợp vi phạm đạo đức liên quan tới giáo viên, phải chăng do họ chịu quá nhiều áp lực? Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục tình trạng đau lòng này?”, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An) chất vấn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết các vụ việc tuy không phải phổ biến nhưng ảnh hưởng ghê gớm, không chỉ tới ngành giáo dục mà còn tới thuần phong mỹ tục, truyền thống tôn sư trọng đạo rất quý của dân tộc.

“Chúng tôi nhận thức đây là thiếu sót lớn. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có phần trách nhiệm của ngành giáo dục, từ khâu đào tạo, tuyển chọn trong một số trường hợp là chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến có một số trường hợp giáo viên không đủ năng lực, kém về phẩm chất. Số trường hợp báo chí phản ánh chưa phải tất cả, trên thực tế chắc chắn nhiều hơn, có nhiều hành vi thậm chí như tôi đã từng nói là phi nhân tính”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận và cho rằng đây là cảnh tỉnh rất lớn đối với ngành, với cả hiệu trưởng các trường.

“Để cho một cô giáo cả học kỳ không giảng 1 câu nào, trách nhiệm hội đồng, hiệu trưởng nhà trường ở đâu”, Tư lệnh ngành Giáo dục bức xúc và khẳng định: “Bộ kiên quyết loại bỏ những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, gần đây cộng đồng giáo viên chịu áp lực rất lớn, cả về vật chất và tinh thần.

Giáo viên không chịu giảng bài, nhà trường không hay biết phải đến khi học sinh "tố" mới bắt đầu vào cuộc xử lý.

Về giải pháp, Bộ trưởng GD-ĐT cho biết sẽ cải tạo chương trình đào tạo giáo viên, trong đó chú trọng tới đạo đức. Với học sinh cũng vậy, tới đây sẽ đưa vào giảng dạy môn đạo đức trong chương trình phổ thông. 

“Năm trước chúng tôi có đề nghị đưa môn giáo dục công dân vào thi THPT quốc gia, trước đó gần như không ai quan tâm nhưng khi đưa vào thi bắt buộc, rất đông học sinh quan tâm, đó là tín hiệu tích cực”, người đầu ngành Giáo dục dẫn chứng và cho biết trong chương trình giáo dục mới, Bộ rất chú trọng tới giáo dục đạo đức cho học sinh, đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên có chất lượng, đồng thời tham mưu với Chính phủ về chế độ đãi ngộ để làm sao giáo viên yên tâm công tác. 

Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng GD-ĐT, chủ tọa phiên họp - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ thêm về tình trạng xuống cấp đạo đức của giáo viên: “Vừa qua dư luận rất bức xúc nhưng xin thưa với Quốc hội, đó là một số trường hợp cá biệt, không phải phổ biến, chúng ta đừng nhìn vào đó mà đánh giá rằng các thế hệ nhà giáo xuống cấp đạo đức”. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, ở đây, các đại biểu muốn nói trách nhiệm người đứng đầu tại các cơ sở giáo dục để xảy ra những vụ việc như thế thì có biết hay không hay phải chờ tới khi báo chí, dư luận xã hội lên tiếng thì mới bắt đầu làm rõ. 

“Ở đây, đại biểu muốn các bộ ngành địa phương và cả hệ thống chính trị vào cuộc, chứ không chỉ riêng Bộ trưởng GD-ĐT”, Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Ngày 6-6, Quốc hội dành khoảng 2/3 thời gian làm việc để tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, xung quanh 3 vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục là chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý mầm non; tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống của giáo viên và học sinh trong nhà trường.