Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí

ANTD.VN -Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều nay, 17-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn khẳng định, Việt Nam không cho ra báo chí tư nhân không có nghĩa là hạn chế quyền tự do, ngôn luận trên báo chí.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều nay, 17-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn khẳng định, Việt Nam không cho ra báo chí tư nhân không có nghĩa là hạn chế quyền tự do, ngôn luận trên báo chí.

Đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng TT&TT, ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nêu về việc có một số trường hợp lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích chính đáng của công dân và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trước QH chiều 17-11

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, trong những năm vừa qua, báo chí nước ta đã đóng góp xứng đáng vào tuyền truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bộ trưởng khẳng định, tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền căn bản của công dân được Hiến pháp 2013 của Việt Nam ghi nhận. 

“Ở đây cần báo cáo rõ rằng, luật pháp nước ta hiện không cho phép ra báo chí tư nhân. Điều này đã và đang bị xuyên tạc, bị các thế lực thù địch lợi dụng để công kích chế độ của ta. Họ cho rằng không cho ra báo chí tư nhân là chúng ta không có tự do ngôn luận mà chỉ có báo chí quốc doanh” – Bộ trưởng Bộ TT&TT dẫn chứng.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, thực tế báo chí nước ta vừa có Đảng, báo của cơ quan nhà nước, báo của các bộ ngành, đoàn thể, cho nên tư nhân không được phép ra báo nhưng các cá nhân tập hợp lại thành các tổ chức xã hội tự nguyện hoàn toàn hợp pháp thì vẫn được phép ra báo.

“Hơn nữa, không chỉ có các nhà báo chuyên nghiệp mà mọi công dân đều có quyền viết bài và bày tỏ ý kiến của mình trên mặt báo. Do đó, việc không cấp phép cho tư nhân ra báo không những không làm hạn chế quyền tự do, ngôn luận trên báo chí mà còn giúp cho nền báo chí nước ta không bị lũng đoạn” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nêu rõ quan điểm, ở Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí.

Nhắc lại ý kiến ĐB Nguyễn Sỹ Cương nêu về việc vừa qua có một số người lợi dụng quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và lợi ích của công dân, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, đây là một thực tế nhức nhối; xét ở góc độ nào đó còn thiếu cơ chế kiểm soát, nhất là khi mạng xã hội biến thành phương tiện truyền thông.

Theo Bộ trưởng, sai phạm của báo chí phổ biến là các hành vi đưa tin sai sự thật, đưa tin nửa sự thật, đưa tin thật giả lẫn lộn, bới móc đời tư, giật gân câu khách, hay nói một cách dân gian là báo chí đưa tin “cướp giết hiếp, bỏng mắt, đắng lòng, sáng đưa trưa gặp chiều gỡ…”. Ngoài ra cũng có một số trường hợp lợi dụng tự do báo chí để xuyên tạc lịch sử.

“Thế nên việc chấn chỉnh các hành vi tiêu cực, vi phạm trong hoạt động báo chí phải được tiến hành đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân theo Hiến pháp” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TTTT đã đưa ra các giải pháp vừa có tính tổng thể, vừa có tính đột phá để rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cùng đó có chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm đảm bảo răn đe.

Mặt khác, trên cơ sở quy hoạch báo chí thì rà soát lại hệ thống báo chí để khuyến khích các cơ quan báo chí hoạt động hữu ích, đúng pháp luật. Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chủ quản báo chí kiên quyết sắp xếp lại các cơ quan báo chí để hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích.