Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô

ANTD.VN -Giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề Đại biểu nêu liên quan đến Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, HTX...., Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đang xây dựng Nghị định trình Chính phủ giảm 50% thuế trước bạ đối với ô tô nhằm khuyến khích sản xuất ô tô trong nước, giảm phí bảo vệ môi trường cho xăng, nhiên liệu bay cho tàu bay...

Cần tránh cào bằng, "cá mè một lứa"

Tham gia thảo luận tại hội trường sáng 16/6, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ sự thống nhất cao trong tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo Đại biểu, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế đứng trước nguy cơ, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phù hợp quy định Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Về việc giảm thuế thu nhập, theo Đại biểu Tạo, việc phải đáp ứng tiêu chí doanh thu dưới 50 tỉ đồng và sử dụng lao động dưới 100 người tạo ra chính sách cào bằng chung, cá mè một lứa, nên cần phải đánh giá đầy đủ từng ngành hàng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, để xác định đối tượng thụ hưởng khoa học và hợp lý hơn, phù hợp với từng đối tượng khó khăn. 

Đại biểu Tạo cũng thống nhất áp dụng đối với đối tượng hẹp hơn là doanh nghiệp nhỏ - đối tượng chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19.  Tuy vậy, để hạn chế tiêu cực, cần xác định mốc thời gian về dịch bệnh diễn ra, theo báo cáo kê khai tài chính doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp gặp khó khăn (doanh nghiệp nhỏ) mới đảm bảo tính công bằng. 

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) phát biểu

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đã lớn mạnh không ngừng, có 96% doanh nghiệp nhỏ, 4% doanh nghiệp vừa. Cộng đồng doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 nên tổn thương nặng nề.

Về đối tượng áp dụng, Đại biểu Thân cho rằng, nếu áp dụng cho doanh nghiệp có doanh thu không quá 50 tỉ và số lao động không quá 100 người thì chỉ 50% doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, hỗ trợ là không phù hợp. 

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, dịch COVID-19 tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tới 85% doanh nghiệp và nếu kéo dài tới quý III thì có trên 162.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Vì vậy, ông đồng ý việc ban hành Nghị quyết, đồng thời đề xuất xem xét thêm với doanh nghiệp vừa từ thời điểm 1-3 khi có dịch toàn cầu, giảm giãn các hoạt động thanh tra của doanh nghiệp, bởi theo phản ánh nhiều doanh nghiệp vẫn nhận được yêu cầu thanh tra hoạt động doanh nghiệp. 

Ngoài ra, cần mở rộng phạm vi nhóm ngành và đối tượng được hỗ trợ; triển khai rộng rãi trên Cổng thông tin dịch vụ quốc gia, hạn chế đi lại của doanh nghiệp. Xác định biên độ giảm lãi, quy trình thực hiện và xét duyệt hồ sơ cho vay. 

“Nghị quyết cần có hiệu lực ngay, bởi dịch bệnh hiện nay ảnh hưởng tới gần 90% doanh nghiệp trong cả nước” - ông Bình đề nghị. 

Hỗ trợ doanh nghiệp chính là nuôi dưỡng nguồn thu

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) phát biểu, về phía doanh nghiệp, để có lãi trong năm 2020 là hết sức khó khăn, nên khi Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính động viên nhiều hơn. 

“Bởi doanh nghiệp nhỏ có lãi năm nay là tuyệt vời nên nếu giảm thuế thì mang tính động viên, biểu dương thành tích. Còn với doanh nghiệp thực sự khó khăn thì cái họ cần là chính sách về tiền tệ và tài khoá nên cần phải có thêm quỹ bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp” – Đại biểu Ngân nói.

Còn theo Đại biểu Đặng Thế Vinh (đoàn Hậu Giang), việc Chính phủ trình miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là phù hợp nên việc hỗ trợ đối tượng cần kịp thời, càng đơn giản càng hiệu quả, tránh phức tạp phát sinh.

Trước ý kiến về việc nhiều doanh nghiệp nhận được thông báo kiểm toán, ông Vinh cho biết, trước tình hình dịch bệnh kiểm toán đã ngừng hoạt động và triển khai các hoạt động kiểm toán theo kế hoạch, nhưng cân nhắc giảm thời gian, phạm vi kiểm toán. Kiểm toán cũng gửi văn bản tới các địa phương là hạn chế tối đa việc đối chiếu thuế ở các doanh nghiệp và chỉ kiểm toán tổng hợp ở cục thuế và chi cục thuế, nên đề nghị đại biểu có thông tin cụ thể về kiểm toán doanh nghiệp thì thông báo đề kịp thời xử lý. 

Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - ông Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, trong điều kiện ngân sách thì không thể hỗ trợ hết doanh nghiệp, thì nên hỗ trợ đúng đối tượng theo quy định của luật về doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là theo quy mô, nhưng cũng cần hỗ trợ cho một số ngành và lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do Covid-19 nhưng có tiềm năng nhất. Việc nâng cao năng lực những lĩnh vực này sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ chủ quyền và an ninh kinh tế, phát triển bền vững của đất nước. Bởi nhiều lĩnh vực đang đứng trước nguy cơ rình rập qua mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

Vì vậy Đại biểu Lộc đề nghị cùng với giảm thuế cần giãn, hoãn, hoặc cấp thêm tiền cho ngân hàng hỗ trợ trung và dài hạn để phát triển một số ngành hàng, lĩnh vực như hàng không, du lịch, các dự án trọng điểm liên quan an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng.

“Bất kỳ sự chi tiêu nào của ngân sách chi cho doanh nghiệp không phải là nhà nước mất đi mà là nuôi dưỡng nguồn thu và tạo nguồn thu cho tương lai” – ông Lộc nhấn mạnh.