Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Sẵn sàng giải tán các đội quản lý thị trường không nắm vững địa bàn cơ sở"

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa tại cơ sở kinh doanh

Theo ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, thời gian qua, tình hình gian lận thương mại phát triển theo chiều hướng rất tinh vi khi các đối tượng tìm cách hợp thức hóa các sai phạm từ xoay vòng hóa đơn đến cắt mác sản phẩm. Bên cạnh đó, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp mà nổi cộm nhất vẫn là các nhóm mặt hàng thực phẩm; vật tư nông nghiệp; dược phẩm; hoá mỹ phẩm; đồ gia dụng.

Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai nhiều chuyên đề liên quan đến các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, đồng hồ, quần áo, sách lậu… tại một số thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Sóc Trăng, Đà Năng, Hà Nội, Quảng Ninh…

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái vẫn nhức nhối.

Liên quan đến tình trạng hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam đang "nóng" lên gần đây, ông Trần Hữu Linh cho biết, hiện nay phổ biến liên quan đến giả xuất xứ, có hai hình thức, một doanh nghiệp có thể đặt hàng "made in Vietnam" ngay ở bên ngoài nước ngoài, sau đó thẩm lậu và tiêu thụ ở thị trường nội địa;

Hoặc tổ chức gia công sản xuất, cắt nhãn, gắn mác "made in Vietnam", gần như các hàng hóa đó không phải sản xuất ở Việt Nam, để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trên thị trường nội địa.

"Có thể nói, gian lận xuất xứ rất tinh vi, khó phát hiện, bắt được quả tang về hành vi giả nhãn mác, thì mới xử lý được"- ông Trần Hữu Linh nói.

Nhấn mạnh hàng giả, hàng nhái đang gây bức xúc trong dư luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục QLTT cần cụ thể hoá việc phối hợp ngang và phối hợp dọc với các đơn vị chức năng cũng như địa phương. Các yêu cầu phải được cụ thể hoá bằng các mục tiêu và đánh giá cụ thể.

Đồng thời, Tổng cục QLTT cần đổi mới cách thức, phương thức QLTT, tập trung “đánh” vào những tổ chức đã thành hệ thống.

Đối với công chức tại cơ sở, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Nếu không nắm được địa bàn thì sẵn sàng giải tán các đội tại cơ sở, lập thành các đội cơ động, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng cục để thực hiện các nhiệm vụ được giao”.

Tổng cục QLTT cho biết, mục tiêu đến hết năm 2020, cả lực lượng QLTT chỉ giữ lại 376 đội QLTT, từ chỗ 641 đội giảm xuống còn 376 đội. Năm 2018, tổng cục giảm 164 đội, năm 2019 dự kiến giảm tiếp 94 đội, không gây xáo trộn nào, năm 2020 giảm nốt số còn lại.