Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu một loạt giải pháp đẩy lùi vấn nạn ma tuý

ANTD.VN - Sáng nay 4-6, Quốc hội bắt đầu 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an là tư lệnh ngành đầu tiên trả lời chất vấn, xung quanh các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Mở đầu phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội nêu thực trạng thời gian gần đây, các lực lượng chức năng đã triệt xóa một số vụ án có số lượng ma tuý rất lớn; tệ nạn ma tuý còn len lỏi tới nhiều vùng miền, gia đình, nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau trong xã hội, từ đó đặt vấn đề về trách nhiệm và giải pháp của Bộ Công an, của các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng chống ma tuý thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu một loạt giải pháp đẩy lùi vấn nạn ma tuý ảnh 1 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn sáng 4-6

Tiếp thu và trả lời các đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới chỉ đạo công tác phòng chống ma tuý, dành nhiều nguồn lực cho công tác này. Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống ma tuý, với mức phạt hết sức nghiêm khắc, 9/13 tội danh có hình phạt chung thân, tử hình. 

“Sự chỉ đạo, vào cuộc của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ngành và của nhân dân thời gian qua là rất quyết liệt”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định và cho biết lực lượng Công an đã dự báo được tình hình, trên cơ sở đó triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp ngăn chặn và những con số về kết quả đấu tranh, phòng chống ma tuý thời gian qua đã nói lên vấn đề này.

Không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy của thế giới

Đi sâu vào phân tích, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã đánh giá được sự phức tạp của tội phạm ma tuý. Từ năm 2018, Bộ Công an đã triển khai các biện pháp ngăn chặn các nguồn ma tuý xâm nhập Việt Nam qua các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau khi bị ngăn chặn, các tội phạm chuyển hướng vào miền Trung, miền Nam. Từ đầu năm 2019 tới nay, phát hiện tội phạm ma tuý người nước ngoài, dùng địa bàn Việt Nam để trung chuyển ma tuý.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ rõ thách thức đặt ra trong công tác phòng chống ma tuý hiện nay, đó là chúng ta đang ở rất gần trung tâm ma tuý lớn thứ hai thế giới, cùng với đó số lượng người nghiện ma tuý ngày càng tăng lên. 

“Dù số người nghiện của Việt Nam không phải là cao so với khu vực, chỉ bằng 1/10 Philippines nhưng đây cũng là thách thức rất lớn”, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận.

Về một số vấn đề trọng tâm trong công tác đấu tranh, phòng chống ma tuý thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm nêu một loạt giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng Công an. 

Thứ hai, khẩn trương tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về pháp luật. 

Thứ ba, thực hiện đồng bộ, song song các giải pháp để chặn nguồn cung, giảm nhu cầu trong nước với tội phạm ma tuý. 

Thứ tư, tiếp tục tăng cường hơn nữa phối hợp chung giữa các lực lượng.

Đại tướng Tô Lâm cho biết thêm, Bộ Công an đang phối hợp với lực lượng chức năng của Lào tổ chức đợt cao điểm trấn áp buôn bán ma túy dọc biên giới Việt - Lào.  

"Bộ Công an cũng kiến nghị các bộ ngành, địa phương cùng vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là phải huy động cả xã hội, tất cả người dân cùng vào cuộc thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả được nạn buôn bán, vận chuyển ma túy", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Về công tác phòng chống đối tượng “ngáo đá” được một số đại biểu đề cập, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá, khả năng gây án của các đối tượng này là rất lớn, tuy nhiên khi chưa gây án thì rất khó xử lý.

Về giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ sẽ tăng cường hướng dẫn Công an địa phương về quản lý đối tượng này bằng các biện pháp như lên danh sách quản lý; có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, quản lý hoạt động của các đối tượng này ngay tại cơ sở…

“Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn ma túy, không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy của thế giới”, Bộ trưởng Bộ Công an cam kết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Tô Lâm và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trao đổi bên hành lang Quốc hội

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, về mặt pháp luật, hiện không xử lý hình sự người sử dụng ma túy, Vì vậy, Bộ Công an đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi, xem xét phục hồi quy định xử lý hình sự người sử dụng ma túy.

Về công tác quản lý người nghiện, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, tội phạm ma tuý là tội phạm của mọi loại tội phạm. Sử dụng, buôn bán ma tuý nảy sinh ra trộm cắp, giết người... Đây là một loại tội phạm hết sức nguy hiểm. 

Theo Đại tướng Tô Lâm, đấu tranh với loại tội phạm này là mục tiêu của Bộ Công an trong nỗ lực trấn áp tội phạm. Bộ trưởng nói: "Hiện nay có những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật đặt ra như việc đơn giản hóa thủ tục đưa người vào các cơ sở cai nghiện, vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy, hướng dẫn áp dụng một số vấn đề trong Luật Phòng, chống ma túy và Luật Hình sự.

Điều 199 của Bộ luật Hình sự trước bây giờ đã bỏ ra ngoài. Người sử dụng ma túy không bị xử lý hình sự. Chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này để đưa vào sửa đổi một số quy định của luật pháp".

Chủ trì phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, thời gian qua, Bộ Công an và lực lượng Bộ đội biên phòng đã phối hợp rất tốt, ngăn chặn và phát hiện được nhiều vụ án ma tuý. 

“Thử hình dung nếu ngành Công an và các lực lượng liên quan không phát hiện ra thì lượng ma tuý đó sẽ gây tác hại thế nào cho thế hệ trẻ, cho xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cuộc chiến chống ma tuý rất ác liệt, nếu chỉ mình ngành Công an thì không làm nổi.

“Cuộc chiến phòng, chống ma tuý phải là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và của mỗi gia đình mới mang lại hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các giải pháp đẩy lùi nạn buôn bán người

Về tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trá hình dưới nhiều hình thức, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, năm 2018 và quý I-2019, đã khởi tố 244 vụ, 330 bị can về tội mua bán người; tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận hơn 500 nạn nhân, trong đó 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu (tư vấn tâm lý, sức khoẻ, trợ giúp pháp lý…), xác định còn 385 nạn nhân cần tiếp tục cần giải cứu, số lượng này là rất lớn. 

“Hiện nay chúng tôi đã tích cực triển khai các giải pháp phối hợp, hợp tác quốc tế để có thể giải cứu các nạn nhân một cách sớm nhất”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Về giải pháp đẩy lùi nạn buôn bán người, người đứng đầu Bộ Công an nêu: “Thứ nhất, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là nhóm đối tượng nguy cơ mua bán như phụ nữ trẻ vùng dân tộc thiểu số. Thứ hai, cần nâng cao công tác quản lý, xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam và nước ngoài, qua đó chủ động ngăn chặn mua bán, đưa người qua biên giới để bán.

Thứ ba, phải tăng cường công tác nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh với các đường dây mua bán người.

Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm buôn bán người.

Thứ năm, cần tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng chống mua bán người”.

Về vụ gian lận điểm thi tại một số tỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an và Công an các địa phương đã tiến hành điều tra, tới nay đã đủ căn cứ để kết luận hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nâng điểm cho thí sinh; làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm (Hoà Bình 63 thí sinh, Hà Giang 107 thí sinh, Sơn La 44 thí sinh).

Riêng về vấn đề làm rõ vi phạm của số phụ huynh đưa tiền cho các bị can để nâng điểm cho con em mình, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng công an đang tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ và cơ quan điều tra sẽ công bố sau khi có kết luận. 

Do tính chất đặc biệt của các vụ án nên Bộ Công an luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giám sát để đảm bảo việc điều tra đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.

Cho tới nay, chưa có dấu hiệu nào thể hiện cơ quan điều tra địa phương chưa khách quan, để lọt người, lọt tội. Bộ Công an sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ vấn đề này.