Bộ trưởng Bộ Công an nói về các vụ án bị tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra

ANTD.VN - Số lượng các vụ án bị can được tạm đình chỉ điều tra chiếm số lượng lớn và ngày càng gia tăng: hơn 12000 vụ và 2000 bị can, tăng 4% về số vụ và tăng 6,7% số bị can, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, đặt 2000 bị can vào tình trạng treo lơ lửng địa vị pháp lý. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều tra...

Đó là ý kiến chất vấn của Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) trước Quốc hội sáng 30-10.  Cũng theo vị Đại biểu này, theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 2018, số lượng các vụ án bị can được tạm đình chỉ điều tra chiếm số lượng lớn và ngày càng gia tăng, trong đó có 1 số vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Đại biểu Hoa đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSNDTC cho biết nguyên nhân chủ quan của hiện tượng này, giải pháp đột phá để khắc phục?

Trả lời làm rõ nội dung trên, Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, theo số liệu báo cáo, số lượng bị can tạm đình chỉ điều tra từ 1/10/2017-30/9/2018 là 2411 bị can, so với cùng kỳ năm trước tăng 13,92%, bị can đình chỉ điều tra là 2349 bị can, tăng 20%. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình triển khai thực hiện BLHS 2015 có nhiều nội dung được điều chỉnh trong luật như: 1179 bị can  đình chỉ do bị hại rút đơn, 362 bị can đình chỉ do bị hại hoặc đại diện của bị hại tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn trước Quốc hội

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, số vụ, bị can đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra do nguyên nhân chủ quan chiếm tỷ lệ rất nhỏ, có 24 trường hợp, chiếm 0,75% tổng số bị can. Trong đó, có 18 bị can bị đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, trong quá trình điều tra đã có kết luận và 6 trường hợp hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội. Đối với các trường hợp này cần điều tra, đánh giá cụ thể mới xác định được oan sai, bồi thường thiệt hại.

Nhằm tập trung nâng cao hiệu quả công tác điều tra, trong thời gian tới, Bộ Công an chỉ đạo một số công việc:

Thứ nhất, tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả Bộ luật TTHS 2015, BLHS 2015, Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ. Hiện Bộ Công an đang  rà soát lại khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành các Luật này, có kiến nghị cho phù hợp với thực tế.

Thứ hai, tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ điều tra công an các cấp, thực hiện có hiệu quả các dự án, đề án trang bị cho lực lượng điều tra, bố trí phòng hỏi cung có ghi âm ghi hình, có âm thanh để kiểm soát các hoạt động này.

Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thiếu sót trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm. Trước mắt sẽ triển khai hiệu quả kế hoạch tổng kiểm tra các vụ việc tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra trong toàn quốc.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong hoạt động điều tra, các giải pháp chống bức cung, dùng nhục hình và các vi phạm khác có liên quan trong quá trình điều tra.

Giải trình làm rõ thêm về chất vấn của đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí khẳng định, về chất lượng của công tác điều tra, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực song vẫn còn một số tồn tại như trong báo cáo đã nêu. Đây là trách nhiệm của Viện KSNDTC trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thời giian tới sẽ áp dụng các biện pháp tiếp theo để khắc phục như tăng cường kiểm sát quá trình giải quyết xử lý tin báo, tố giác tội phạm ngay từ đầu.

Bên cạnh đó, trong quá trình khởi tố, điều tra, Viện KSNDTC sẽ yêu cầu kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ nhằm phát hiện mâu thuẫn, bất cập trong tài liệu, hồ sơ của vụ án để đưa ra yêu cầu xác minh, điều tra kịp thời đảm bảo quá trình kiểm sát chặt chẽ từ đầu cho đến hết quá trình điều tra, truy tố. Đồng thời, tiếp tục thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh việc chấp hành nghiêm các quy định của ngành.

Việc đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, bị can có tính 2 mặt chứ không chỉ mang tính tiêu cực. Bởi trong quá trình đấu tranh tội phạm có những việc nếu không khởi tố, không bắt giữ thì không điều tra được như tội phạm về ma túy, tham nhũng, đánh bạc…Nhưng trong quá trình phân loại, rà soát, có những việc không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì việc đình chỉ, tạm đình chỉ nhằm ngăn chặn, hạn chế oan sai. Năm 2017, Viện trưởng Viện KSNDTC đã ban hành Chỉ thị yêu cầu Viện trưởng Viện KSND ở 63 tỉnh thành rà soát toàn bộ các vụ việc tạm đình chỉ, vụ nào còn thời hiệu sẽ tiếp tục xem xét, phục hồi điều tra, vụ nào không đủ điều kiện phải nhanh chóng kết thúc – ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Sau phần trả lời trên, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa giơ biển tranh luận, “1 năm cơ  quan điều tra các cấp xử lý 94.476 vụ việc với trên 132.000 bị can,  nhưng trong số đó đã có 12000 vụ, hơn 2000 bị can bị đình chỉ điều tra là con số lớn. Đành rằng, việc đình chỉ điều tra có tính 2 mặt nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, trong số đó có nhiều vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tôi mong rằng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSNDTC cần quan tâm giảm tỷ lệ này xuống, nếu hết thời hạn tạm đình chỉ  phải có biện pháp tố tụng tiếp theo”.