Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng phần mềm tra cứu văn bản để doanh nghiệp và người dân đễ tiếp cận

ANTD.VN -  Liên quan đến tình trạng có quá nhiều văn bản điều chỉnh về lĩnh vực đất đai, rườm rà, gây khó khăn cho DN và người dân trong việc tiếp cận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết sẽ xây dựng phần mềm tra cứu để giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời ĐBQH

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nêu, theo Báo cáo số 105 ngày 26/9/2017 của Bộ TN&MT, hiện có gần 40 văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh lĩnh vực đất đai và môi trường. Báo cáo số 164 ngày 10/05/2018 của Chính phủ đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện về đất đai chiếm hơn 70% thời gian qua, có nguyên nhân do sự tản mạn nêu trên của các văn bản pháp luật.

Qua giám sát của các cử tri, các công chức nhất là các công chức cấp cơ sở phản ánh là gặp nhiều khó khăn để tiếp cận đầy đủ các văn bản pháp luật nêu trên trong lĩnh vực đất đai và nhiều khi là tên văn bản cũng còn chưa nhớ hết, chưa nói đến nội dung của gần 40 văn bản này. Vậy, đề nghị đồng chí Bộ trưởng cho biết sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu như thế nào với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết khó khăn nêu trên cho người dân và cán bộ ở cấp cơ sở.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, ý kiến của ĐB nêu ra rất đúng, trên thực tế các văn bản quy phạm pháp luật về TNMT có trên 600 văn bản, từ Luật đến Thông tư, Quy định… Tuy nhiên, trong lĩnh vực đất đai như ĐB nói hiện có trên 74 văn bản được ban hành dựa trên quy định của luật. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành tổng hợp, in ấn xuất bản để người dân và doanh nghiệp tiếp cận các văn bản mới.

Nội dung thứ hai là Bộ TN&MT đã tổng hợp, triển khai xây dựng phần mềm tra cứu. Khối lượng văn bản hiện nay là rất lớn trong đó đã nhiều văn bản quản lý nhà nước được công bố, công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT.

Về lâu dài, khi các văn bản đã ổn định, chúng ta cần phải hệ thống hoá không chỉ riêng lĩnh vực đất đai mà còn có các lĩnh vực khác. Bộ TN&MT là Bộ quản lý tổng hợp liên ngành, liên lĩnh vực nên nhiều vấn đề có thể lưu thông và quản lý tích hợp.

Như vậy, chúng ta cần hệ thống hoá và sẽ tiến hành pháp điển các chủ đề có liên quan để công bố. Nếu việc áp dụng các quy định pháp luật từng lĩnh vực ổn định thì chúng ta hướng tới xây dựng từng bộ luật, không phải Luật Đất đai mà là Bộ luật Đất đai trong đó bao gồm các văn bản trên mạng để dễ tra cứu về sau này.